Thông tư 30: Cứu giáo viên bằng cách triệt để sử dụng công nghệ thông tin
Sau giải pháp giảm bớt các sổ sách không cần thiết, nội dung nhận xét trùng lặp, nhiều giáo viên chia sẻ với PV Infonet, về giải pháp mới: Sử dụng công nghệ thông tin.
Hiện nay, giáo viên phải “đánh vật” với hơn chục loại sổ khác nhau: sổ theo dõi, sổ học bạ, sổ chủ nhiệm, sổ họp hội đồng, họp chuyên môn, sổ bồi dưỡng thường xuyên,… Trước núi công việc đó, nhiều thầy cô cho rằng, cần có cơ chế cho việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm giúp họ có thêm thời gian cho bản thân và gia đình.
Dù rất tán thành thông tư 30 nhưng cô giáo Mai Hương (Hà Nội) cũng cho rằng tất cả các hồ sơ sổ sách cần phải được làm thông qua máy tính thay vì ghi chép thủ công như hiện nay bởi rất mất thời gian và công sức trong khi không thực sự quá cần thiết.
“Sổ học bạ nên photo ghép với quyển cũ bởi học sinh lớp 5 mua mới 5000 đồng/quyển gây một sư tốn kém quá lớn. Một năm nhận xét 1 lần là đủ và cuối học kỳ 1 giáo viên có thể trao đổi với phu huynh bằng sổ liên lạc điện tử là được rồi”, cô Hương nói.
Còn thầy giáo Hải Anh thì cho biết: “Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin mà không cho ứng dụng trong việc làm hồ sơ sổ sách đã tạo cho giáo viên nhiều áp lực không đáng có. Lẽ ra sổ theo dõi chất lượng giáo dục và sổ liên lạc nên cho áp dụng việc đánh máy cũng được, rồi hết học kì và hết năm học giáo viên sẽ chỉ phải in ra cho công tác kiểm tra của nhà trường”
Theo thầy giáo này, bản thân sổ liên lạc như là sợi dây gắn kết giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh, tuy nhiên trên thực tế giáo viên hiện nay vẫn sử dụng kênh giao tiếp qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp để trao đổi với phụ huynh là chủ yếu.
Chính vì vậy, thầy Hải Anh cho rằng, nên đánh máy hoặc chờ đến cuối kỳ 1 hay cuối năm photo ngay học bạ ra gửi cho phụ huynh để tránh mất thời gian ghi chép của giáo viên.
Đồng quan điểm, cô Hồ Hương (Bắc Giang) cũng cho hay: “Sổ liên lạc là sổ trao đổi ý kiến giữa giáo viên với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, với những học sinh cần có sự phối hợp của gia đình thì giáo viên đã liên lạc bằng điện thoại. Do đó, theo tôi, Sổ liên lạc có thể thay bằng sổ điện tử và hạn chế một số mục nhận xét có tính chất giống nhau, ví dụ mục tự phục vụ, tự quản với mục tự học và giải quyết vấn đề”
Cô giáo Phương Thảo (Vĩnh Long) cũng góp ý: “Em thấy sổ họp cũng không cần phải chép tay, thời đại công nghệ thông tin thì phải có ứng dụng vào chứ. Cái thời gian bỏ ra để chép mấy trang giấy mỗi tháng để soạn bài giảng điện tử theo em còn có ích hơn.
Còn sổ liên lạc nếu không đủ điều kiện làm sổ liên lạc điện tử thì cho photo học bạ phát cho học sinh xem. Bởi quả thật mình ngồi viết cứng cả tay mà về có phụ huynh cũng chẳng xem. Sổ học bạ chỉ nên nhận xét cuối kì là được”
Cô Phương Thảo cũng cho rằng, cần có quy định thoáng hơn trong cách nhận xét. “Như bây giờ hình thức quá, thậm chí bài làm của học sinh rất tệ mà vẫn được nhận xét theo hướng khen thì thử hỏi học sinh có phấn đấu học nữa không?”, cô Thảo nói.
Cô giáo Ngọc Phượng (TP HCM) nêu giải pháp là Bộ GDĐT nên thiết kế một phần mềm về sổ theo dõi chất lượng giáo dục và triển khai cho giáo viên. Hàng tháng, giáo viên sẽ nhận xét học sinh rồi in và gửi về cho phụ huynh.
“Tôi thấy ở cấp 2, học sinh có sổ liên lạc điện tử. Tại sao ở cấp Tiểu học, sổ liên lạc vẫn phải viết tay”, cô Phượng thắc mắc.