Thông tin bất ngờ về dịch Covid-19, xác định mối đe dọa mới của năm 2020
Hãng tin RIA trích dẫn các thông tin được đưa ra bởi các nhà khoa học từ Đại học Central Lancashire của Anh cho hay, đại dịch Covid-19 có thể làm suy yếu dịch cúm theo mùa do cách ly và các biện pháp phòng ngừa khác.
Theo đó, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã được công bố trên ấn phẩm The Conversation. Các chuyên gia nhận thấy rằng các biện pháp do chính quyền đề xuất để chống lại đại dịch đã góp phần phát triển thói quen tốt trong người dân.
Đại dịch Covid-19 tạo tác động tích cực đến người dân ở Anh. Ảnh: RIA. |
Cụ thể, nếu trước khi dịch Covid-19 xuất hiện chỉ có 32% nam giới và 64% phụ nữ ở Anh rửa tay sau khi đi vệ sinh công cộng, thì giờ đây lên tới 83% người dân làm việc này thường xuyên hơn.
Cũng theo các chuyên gia, việc đóng cửa các cơ sở giáo dục có tác động tích cực trong cuộc chiến chống lại dịch cúm theo mùa, vì chính học sinh là một trong những nhóm có nguy cơ bị mắc cúm theo mùa do khả năng miễn dịch yếu và tiếp xúc thường xuyên.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng việc duy trì giãn cách xã hội cũng ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật.
Đồng thời, các chuyên gia cũng chưa thể cho biết tỷ lệ mắc bệnh cúm sẽ giảm bao nhiêu, vì nhiều bệnh khác nhau có triệu chứng tương tự và việc xác định chính xác vẫn còn khó khăn.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây ở Nhật Bản cho biết, tỷ lệ mắc cúm thấp hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, một xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở châu Âu.
Đến nay, 212 quốc gia/ vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/3 đã chính thức công bố dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch trên toàn cầu. Tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới vượt quá 3,1 triệu người, trong đó hơn 215 nghìn người tử vong.
Trong một diễn biến khác, mới đây New York Post đưa tin, nghiên cứu của các nhà khí tượng học gọi năm 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử quan sát khí tượng. Theo đó, đây là mối đe dọa toàn cầu mới liên quan đến thay đổi khí hậu.
Các chuyên gia của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho hay, có đến 75% khả năng năm 2020 nhiệt độ trung bình sẽ lên tới mức cực cao và phá vỡ kỷ lục năm 2016. Nguyên nhân của tình trạng này là do con người không nỗ lực trong việc giảm lượng khí thải.
Theo các báo cáo, sự nóng lên của Trái đất năm 2016 một phần là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, sự dao động nhiệt độ của lớp nước bề mặt ở khu vực xích đạo thuộc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, năm 2020, theo các nhà khoa học dự đoán sẽ không xảy ra hiện tượng El Nino, do đó chu kỳ tự nhiên này sẽ không gây ra tình trạng nóng kỷ lục.
Ngay cả nếu như năm 2020 không phải là năm nóng nhất, thì NOAA cho rằng nó vẫn sẽ nằm trong những năm nóng nhất. Các nghiên cứu cho thấy, vào tháng 1 ở nhiều khu vực thuộc Bắc cực ghi nhận lượng mưa giảm tăng đáng kể. Vào tháng 2, các cơ sở nghiên cứu ở Nam Cực cũng cho thấy nhiệt độ cao kỷ lục từ trước đến nay.
Thư ký điều hành của Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), bà Patricia Espinosa cũng cảnh báo Covid-19 là mối đe dọa khẩn cấp nhất đối với nhân loại hiện nay. “Tuy nhiên chúng ta không nên quên rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi các quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ những tham vọng về biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris”, bà Espinosa nói.
Thanh Bình (lược dịch)