Thông điệp “dậy sóng” của bà mẹ: “Con tôi không phải chia sẻ gì với con của bạn"
Trong bài đăng của mình, bà mẹ này kể lại một sự việc gần đây liên quan đến con trai Carson tại công viên và khẳng định rằng con mình không bắt buộc phải chia sẻ đồ chơi với những đứa trẻ khác.
Kolberg viết, ngay khi hai mẹ con đến công viên: “Đã có ít nhất 6 đứa trẻ tiếp cận Carson, tất cả cùng một lúc yêu cầu Carson chia sẻ đồ chơi biến hình, hình Minecraft và xe tải. Thằng bé rõ ràng là bị quá tải và ghì chặt đồ chơi vào ngực khi các trẻ khác cố giằng lấy. Thằng bé nhìn tôi”.
Đó là khi người mẹ nói với con trai mình rằng cậu bé có thể nói “không” với những đứa trẻ khác.
“Tất nhiên ngay khi thằng bé nói không, những đứa trẻ khác chạy đến chỗ tôi mách rằng con tôi không chia sẻ. Tôi nói, bạn ấy không buộc phải chia sẻ với cháu. Bạn ấy nói không. Nếu muốn chia sẻ, bạn ấy sẽ làm”, Kolberg viết.
Những lời nói của người mẹ nhận được cái nhìn khinh khỉnh của những bậc cha mẹ khác. Nhưng Kolberg lý giải suy nghĩ của mình: “Nếu tôi, một người lớn, đang đi vào công viên và ăn một cái sandwich, tôi có buộc phải chia sẻ cái bánh với những người lạ trong công viên không? Không!”.
Bà mẹ viết tiếp: “Cho nên, trong khi các bạn ném vào tôi cái nhìn khinh khỉnh, cứ đặt giả thuyết rằng bạn cho tôi và con trai tôi là thô lỗ, ai mới là người đang không cư xử đúng đây? Người lưỡng lự trước việc chia sẻ 3 món đồ chơi của mình với 6 người lạ, hay 6 người lạ đang đòi được chia sẻ những thứ không thuộc về mình, trong khi rõ ràng người sở hữu những món đồ đó không thoải mái?
Mục tiêu là dạy các con chúng ta làm sao để cư xử như người lớn. Tôi biết có vài người lớn rõ ràng là không bao giờ học cách chia sẻ khi còn là trẻ con, tôi còn biết nhiều hơn những người không biết cách nói không với người khác, hay không biết cách tạo ranh giới, hay cách quan tâm đến bản thân mình. Kể cả tôi.
Lần tới khi những đứa con của các bạn chạy tới bên bạn, tỏ vẻ thất vọng vì một đứa trẻ khác không chia sẻ, làm ơn nhớ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà chẳng có lợi lộc gì nếu từ bỏ mọi điều mình có cho người khác chỉ vì họ yêu cầu thế, và tôi sẽ không dạy con mình làm thế là hiệu quả đâu”.
Không ít bà mẹ tán thành quan điểm của Kolberg. Một bà mẹ 3 con nói:
“Tôi thường nghĩ thật kỳ lạ khi chúng ta ép các con chia sẻ, trong khi, người lớn đâu có sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với người khác. Ví dụ, tôi có buộc phải để cho một bà mẹ khác tôi không quen biết dùng điện thoại của mình ở công viên không? Hay thử dùng son của tôi? Tất nhiên là không. Tôi cũng đồng ý rằng việc vạch rõ giới hạn rất quan trọng, nhưng bài học này không dễ học, tôi gần 40 rồi mà vẫn còn đang phải học.
Điều đáng chú ý là tôi muốn con mình học cách chia sẻ với nhau trong chính ngôi nhà của chúng. Nhưng ngoài phạm vi gia đình, và trong trường hợp người lạ ở công viên, tôi đứng về phía Kolberg!”.
Các bình luận trên bài viết của Kolberg cũng hình thành những ý kiến trái chiều:
- "Những người lớn biện hộ cho những đứa trẻ chạy đến chỗ trẻ khác hỏi/ cầu xin/ yêu cầu chúng chia sẻ đồ chơi mới là có vấn đề. Trẻ em được phép mang đồ chơi đến công viên. Trẻ em không phải chia sẻ với những đứa trẻ khác. Trẻ em không nên mong mọi người chia sẻ mọi thứ với chúng. Nghĩ khác đi là sai".
- “Tôi chỉ hy vọng rằng con bạn cũng được dạy rằng những đứa trẻ khác cũng có ranh giới của chúng. Chúng cũng có thể nói không nếu con bạn muốn chơi với đồ chơi của chúng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, còn tất nhiên con không buộc phải chia sẻ”.
Cũng có ý kiến gay gắt cho rằng chẳng hiểu sao phụ huynh lại nghĩ dạy con như vậy là đúng. Một đứa trẻ nếu không sẵn sàng chia sẻ với bất cứ ai thì sẽ chẳng có ai muốn chơi với chúng.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều này?