Thiếu vốn để tái đàn gia súc, gia cầm
Thiếu vốn để tái đàn gia súc, gia cầm
Thông tin trên báo Nông nghiệp VN cho biết, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định trước bối cảnh chăn nuôi đầy rẫy những khó khăn như dịch bệnh lây lan trở lại, giá heo gà giảm mạnh gây thua lỗ, các ngân hàng vốn đã không mặn mà, nay càng thêm xa lánh người chăn nuôi.
Chăn nuôi cuối năm gặp khó khăn vì đối vốn. Ảnh: Quỳnh Anh |
“Đây là thời điểm người chăn nuôi cần vốn để tái đàn phục vụ cho lễ tết cuối năm, nhưng tất cả các ngân hàng đều dứt khoát không cho vay. Thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phải mời các ngân hàng đến họp bàn, tìm cách giải quyết vốn cho chăn nuôi, nhưng cuối cùng vẫn “tắc”. Các ngân hàng đều thẳng thừng trả lời rằng: Không muốn cho chăn nuôi vay vì rủi ro quá cao!”, ông Hổ cho biết.
Cũng theo báo Nông nghiệp, tại Tiền Giang nơi dịch tai xanh đang hoành hành ở 12 xã của 2 huyện với trên 10.000 con heo bị bệnh, người chăn nuôi cũng kêu trời vì ngân hàng “đóng cửa”. Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ mà ngay cả các trang trại cũng không thể vay vốn vì tất cả các lá đơn vay tiền đều được ngân hàng trả lời: Dịch bệnh đang lây lan không thể cho vay.
Còn ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, giá heo gà đang xuống rất thấp, đặc biệt người chăn nuôi gà đang phải chịu lỗ 5.000 đồng/kg. Trước tình hình này, hầu hết các ngân hàng đều không muốn cho người chăn nuôi vay, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác xuống giống phục vụ cho thời điểm cuối năm.
Không chỉ bị “chặn đường” vốn vay, người chăn nuôi cũng đang bị “làm giá” khi mua con giống về tái đàn. Theo ông Phan Trọng Hổ, giá heo con giống tăng bất thường 100.000 – 110.000 đồng/kg, trong khi giá heo thịt tại Bình Định hiện chỉ trên 40.000 đồng/kg. “Giá chênh lệch quá cao như vậy thì làm sao người chăn nuôi có thể tái đàn được?” – ông Hổ bức xúc nói.
Ông Nguyễn Phước Trung - Phó GĐ Sở NN-PTNT TPHCM khẳng định, giá giống gia cầm thời gian qua đang bị “làm giá” và bị chi phối bất hợp lý. “Vì thế, tôi đề nghị Bộ NN-PTNT nên có chính sách hỗ trợ phát triển các trại giống với quy mô lớn, kích thích giống gia cầm phát triển để từ đó “hạ nhiệt” mỗi khi giá giống bị ai đó điều khiển, chi phối”.
Trước ý kiến này, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần khẳng định: Hơn 3 triệu hộ chăn nuôi là vấn đề an sinh xã hội là rất lớn, cuộc sống của hàng triệu nông dân sẽ ra sao? Hình thức chăn nuôi gia trại (nhỏ lẻ) vẫn chiếm tới 80%, nếu lập tức không còn nữa thì sản lượng thịt sẽ giảm nghiêm trọng.
Đây là đặc điểm riêng của VN, cho nên trong vòng 10 năm tới, chúng ta phải chấp nhận tồn tại 3 loại hình chăn nuôi là trang trại, công nghiệp và gia trại.
Từ giờ đến cuối năm, Cục Chăn nuôi phải xây dựng quy định về điều kiện chăn nuôi của gia trại để tổ chức lại sản xuất. Khuyến khích các địa phương làm thí điểm ở những nơi thuận lợi nhất để đưa DN về nông thôn, liên kết với nông dân để sản xuất.
Bộ NN- PTNT cũng khuyến khích làm theo chuỗi giá trị như mô hình ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM đang thực hiện: DN liên kết với nông dân, trang trại để cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật, thu mua và tiêu thụ. Đây cũng là một cách để phần nào giải bài toán về nguồn vốn cho người chăn nuôi, tuy nhiên phải làm sao đảm bảo sự hài hòa lợi ích cho cả 2 bên, tránh tình trạng nông dân bị DN chèn ép bất công.
Tổng hợp theo NNVN