Thiết bị tiết kiệm điện năng: Công dụng thật hay chỉ là trò lừa đảo?
Chỉ là trò quảng cáo ‘láo’
Thời gian gần đây, dư luận xã hội tiếp tục xôn xao về sự xuất hiện trở lại của hàng loạt “thiết bị tiết kiệm điện” được quảng cáo có khả năng giảm từ 20-50% hóa đơn tiền điện hàng tháng cho những người sử dụng. Sự quay trở lại của những thiết bị này được cho là một động thái “lợi dụng” tâm lý muốn tiết kiệm chi phí tiền điện của người tiêu dùng trong những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cao.
Trên thực tế, nếu muốn mua một thiết bị tiết kiệm điện, người tiêu dùng chỉ cần lên Google gõ từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện năng” sẽ cho hàng trăm sự lựa chọn với hàng loạt các thiết bị tiết kiệm điện đa dạng từ chủng loại, mẫu mã đến giá cả. Trong đó, loại thiết bị tiết kiệm điện năng có tên “Electricity Saving Box” là sản phẩm xuất hiện nhiều nhất, dễ tìm mua nhất.
Theo quảng cáo trên các trang mạng xã hội, nếu sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng, người dùng có thể giảm được từ 30 - 50% tiền điện hàng tháng. Giá của thiết bị này được rao bán từ khoảng 90 nghìn đồng đến 2 triệu đồng tùy mẫu. Điều đặc biệt là phần lớn các thiết bị tiết kiệm điện năng đều được bán qua đường online (giao/ship), như một cách để tránh rủi ro mà các chủ hàng thực hiện.
Trong vai một người mua hàng, phóng viên đã tìm đến một website để mua thiết bị tiết kiệm điện năng có tên “Electricity Saving Box”. Theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng, trong thiết bị tiết kiệm điện năng mà họ cung cấp có 1 tụ bù công suất, giúp tăng hiệu số công suất và tối ưu điện năng thừa, không hao phí điện năng, ổn định dòng điện. Do đó, điện năng tiêu thụ sẽ giảm từ 20 đến 50% khi sử dụng thiết bị.
Thiết bị tiết kiệm điện năng được bán rộng rãi trên nhiều website điện tử. Ảnh chụp màn hình |
Nhân viên này còn nói rằng cách sử dụng khá đơn giản khi chỉ cần cắm thiết bị vào bất kỳ ổ điện nào trong nhà cũng có thể phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, dù trong nhà có nhiều thiết bị điện được sử dụng đi chăng nữa thì chỉ cần một thiết bị tiết kiệm điện năng là đủ để giảm đi chi phí điện hàng tháng (áp dụng đối với trường hợp dùng 1 công tơ điện). Khi được hỏi về nguồn gốc của sản phẩm do đâu mà có, nhân viên này chỉ nói chung chung rằng sản phẩm là hàng Việt Nam sản xuất theo công nghệ của nước ngoài, chủ yếu là Đức. Thậm chí, sau khi khẳng định hàng hóa của mình là chất lượng, nhân viên tư vấn nêu trên còn nói nếu mua với số lượng lớn, khách hàng sẽ được giảm giá sản phẩm.
Trên thực tế, đã có không ít những trường hợp các thiết bị tiết kiệm điện năng bị người tiêu dùng và chuyên gia “vạch trần” bởi công dụng của những sản phẩm này hoàn toàn khác xa với những công dụng một cách "thần thánh" mà các trang mạng xã hội quảng cáo. Điển hình với loại thiết bị tiết kiệm điện năng “Electricity Saving Box”, cách đây không lâu đã bị Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp cùng Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung lật tẩy bằng cách thực hiện một số thí nghiệm để phân tích, xác minh.
Theo đó, khi mổ xẻ sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electricity Saving Box, các chuyên gia vô cùng bất ngờ khi thấy thiết bị này rất đơn giản và không có gì đặc biệt. Sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led.
Quá trình thí nghiệm cho thấy, thiết bị tiết kiệm điện Electricity Saving Box khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm lượng điện năng tiêu thụ của tải. Việc này đẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ). Như vậy có thể hiểu, thiết bị tiết kiệm điện thực chất chỉ là một cách “quảng cáo” tâng bốc của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm nhanh hơn.
Chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng
Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Văn Thịnh, Trưởng bộ môn thiết bị điện - điện tử, Khoa Điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, thiết bị nào khi cắm vào nguồn điện cũng tiêu thụ một lượng điện nhất định.
Về nguyên lý, các thiết bị đó chỉ giúp chế độ tải của các thiết bị hoạt động tốt hơn. Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1 - 5% lượng điện tiêu thụ là rất nhiều. Với thiết bị tiết kiệm điện chỉ với bằng một ít vẩy nhựa đen bôi lên, với vài con tụ và cuộn dây... trong kết cấu mà lại có thể tiết kiệm tới 40 - 50% lượng điện tiêu thụ thì chỉ có thể là trò lừa bịp.
Các chuyên gia đã cảnh báo về sự thổi phồng công dụng của các sản phẩm tiết kiệm điện năng. |
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện – Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, khách hàng không nên tin vào những chiêu quảng cáo về thiết bị có thể tiết kiệm điện đến mức cao như vậy. Muốn tiết kiệm điện, cần luôn có ý thức sử dụng điện tiết kiệm bằng các giải pháp mà ngành Điện khuyến cáo và dùng thiết bị gắn nhãn năng lượng có nhiều sao được Bộ Công Thương kiểm định.
Vì vậy, người tiêu dùng hiện tại nên cảnh giác với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường vì phần lớn đây chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Kể cả trong trường hợp trên thị trường có những loại thiết bị thực sự có tác dụng làm công tơ điện chạy chậm lại thì ngành điện sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Kèm theo đó, người dân sử dụng các thiết bị này có nghĩa là đã thực hiện hành vi vi phạm sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Với tình trạng giá điện ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả chứ không nên trông chờ vào cái gọi là “thiết bị tiết kiệm điện” để tránh "tiền mất, tật mang”.
Nguồn: vietq.vn