Thích ăn gỏi và đồ sống, nam thanh niên bị liệt hai chân
Thấy có biểu hiện yếu hai chân dần dần liệt không đi được, nam thanh niên đi khám và bất ngờ với kết quả bị nang sán nội tuỷ ngang đốt sống C7.
Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) đã tiếp nhận và phẫu thuật điều trị cho một nam bệnh nhân 38 tuổi, sinh sống ở vùng cao, bị nang sán nội tuỷ ngang đốt sống C7. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có những tiến triển về vận động và cảm giác hai chân.
Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh nhân có thói quen ăn gỏi, ăn đồ sống. Cách đây khoảng 1,5 tháng, bệnh nhân thấy tê yếu hai chân, bệnh tiến triển nặng đến khi bí tiểu tiện, liệt gần như hoàn toàn hai chân, người nhà mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
TS. Nguyễn Khắc Hiếu - Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện 108 cho biết, sau khi thăm khám và hội chẩn, tổn thương của người bệnh được nghĩ đến là nang sán nội tủy ngang đốt sống C7 và quyết định phẫu thuật.
Kết quả phẫu thuật đúng như hội chẩn trước mổ. Bệnh nhân được lấy bỏ nang sán, giải ép thần kinh. Sau mổ bệnh nhân đã có những tiến bộ về vận động và có cảm giác hai chân.
Được biết, bệnh lý ký sinh trùng ở hệ thần kinh trung ương là một bệnh lý thường gặp ở các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh kém. Trong các loại ký sinh trùng hệ thần kinh trung ương thì nang sán dây lợn là bệnh lý thường gặp nhất.
Theo tác giả Amaral và cộng sự (2015), khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới mắc sán dây lợn. Bệnh gặp chủ yếu trên não, tại tủy sống chỉ chiếm từ 1,5-3%. Tùy vị trí của nang sán trong tủy, biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau; yếu liệt tứ chi nếu tổn thương tủy cổ, đau buốt yếu chân nếu tổn thương vùng thắt lưng.
Bệnh nhân đang phục hồi chức năng tại BV. |
Điều trị chính là nội khoa với thuốc Mebendazol. Chỉ định điều trị phẫu thuật khi có chèn ép thần kinh. Tổn thương nội tủy cần thận trọng trong chỉ định với đường tiếp cận tổn thương an toàn nhất có thể, tránh làm tổn thương thêm thần kinh.
BS Hiếu cho biết, tại khoa Ngoại thần kinh bệnh viện, mỗi năm khoa tiếp nhận và xử lý phẫu thuật nhiều ca ký sinh trùng hệ thần kinh trung ương trong đó có nang sán ở tủy sống.
Các chuyên gia về truyền nhiễm và phẫu thuật thần kinh đều cho rằng, bệnh lý ký sinh trùng là một bệnh có thể chữa khỏi, tuy nhiên nếu tổn thương ở các vị trí quan trọng của thần kinh trung ương như não, tủy sống sẽ dẫn đến những tổn thương thần kinh nặng nề, chẩn đoán khó khăn, được điều trị cơ bản cũng khó hồi phục được hoàn toàn.
TS Huỳnh Hồng Quang - Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Quy Nhơn cho biết sán dây nhiễm vào người do thói quen ăn đồ tái sống như thịt bò tái, thịt lợn tái. Sán dây trưởng thành sống ở ruột non của người. Ấu trùng sán dây lợn sống kỷ sinh ở trong tổ chức của một sô động vật có vú như người, lợn, trâu, bò, lạc đà, cừu, ngựa, thỏ, chó, mèo...
Thời gian ủ bệnh với sán dáy trưởng thành khoảng 8-10 tuần, ấu trùng sán dây lợn khoảng 9-10 tuần. Thời kỳ lây truyền sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non cùa người, những đốt sán già tự rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân bài tiết ra ngoài. Trong đốt sán có trứng sán, khi đốt rữa ra trứng sẽ giải phóng và nếu người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ gây bệnh ấu trùng sán dây lợn.
Để phòng bệnh sán, TS Quang cho rằng không nên ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu bò chưa nấu chín, không ăn rau sống, uống nước lã. Việc phòng bệnh cần kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các lò mổ lợn, trâu bò và loại bỏ các con vật mang ấu trùng sán; quản lý phân tốt: luôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông...
Cần phát hiện và điều trị sớm những người mắc bệnh sán dây và xử lý những con sán được tẩy ra, đặc biệt sán dây lợn để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm.
Khánh Chi
Nghiện bò tái, nem chua, coi chừng sán lên não
Vừa qua, các y bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp người bệnh bị tổn thương viêm não do nang sán.