Bỏ nghề bác sĩ, mẹ đơn thân tự khởi nghiệp nghề thú bông handmade
Từ bỏ nghề bác sĩ thú y đã theo học 5 năm, chị Trần Thị Hạnh dũng cảm theo đuổi đam mê với nghề móc thú bông len, mang sản phẩm của mình tiếp cận với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.
Vốn là bác sĩ làm ở 1 phòng khám thú y, chị Trần Thị Hạnh (31 tuổi, Tiền Hải, Thái Bình) lại có niềm đam mê với những sợi len và làm thú bông handmade.
Từ bỏ nghề bác sĩ thú y, chị Hạnh xây dựng thương hiệu thú bông móc len từ đam mê. |
Là mẹ đơn thân, nuôi 2 con nhỏ, chị Hạnh một mình gồng gánh, vừa chăm sóc con cái, vừa phụng dưỡng bố mẹ. Bước ngoặt lớn nhất cuộc đời chị là đã mạnh dạn từ bỏ công việc đang làm để có thể dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và theo đuổi đam mê.
Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, năm 2020, chị Hạnh bắt đầu làm và bán các sản phẩm thú bông móc len (hay còn gọi là thú bông amigurumi). Amigurumi là một loại hình móc len nghệ thuật bắt nguồn từ Nhật Bản. Các nhân vật thường là những con thú nhỏ dễ thương như gấu, mèo, cún,… hay những nhân vật hoạt hình vui nhộn.
Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc này, chị Hạnh cho biết, cách đây 15 năm, chị Hạnh đã móc gia công cho các xí nghiệp làm nghề thủ công, như móc miếng lót ly, lót cốc chén và giỏ đựng đồ.
“Trong một lần vô tình xem được một video dạy móc amigurumi trên kênh Youtube, tôi thực sự bị thu hút bởi sự khéo léo, tỉ mẩn trong các công đoạn móc len nên đã bắt đầu học làm theo.
Và tôi nghĩ, đây có thể là công việc phù hợp với tôi vì có thể làm tự do tại nhà, vừa có thời gian chăm con, vừa có thể kiếm tiền. Tìm hiểu thêm được biết amigurumi được trẻ em sử dụng như đồ chơi, đồng thời cũng được giới trẻ rất yêu thích vì nó có tính thẩm mỹ cao. Chính vì thế, tôi quyết định bỏ nghề để theo đuổi đam mê này”, chị Hạnh chia sẻ.
Kể về những ngày đầu mới khởi nghiệp, chị Hạnh cho hay, vì mới làm nên những ngày đầu chị Hạnh tự đặt nguyên liệu để móc thú bông chủ là len jeans và dụng cụ tại các shop bán len của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi lần nhập nguyên liệu hết khoảng 5-7 triệu đồng.
“Ban đầu mới làm nên chưa có khách nên chị phải tự tìm kiếm khách hàng bằng cách đăng lên các hội, nhóm đan móc. Sau khi xác định được đối tượng và nhu cầu của người mua, tôi đã tìm kiếm được nguồn khách hàng quen và ý nghĩ xây dựng thương hiệu riêng cho mình với tên gọi Anan.amilove cũng bắt đầu từ đây.
Và fanpage của cửa hàng đã được lập trên facebook với mục đích phục vụ cho việc bán hàng online. Ngoài ra, tôi mở tài khoản trên instagram và sàn thương mại quốc tế để quảng bá sản phẩm của mình”, bà mẹ đơn thân cho biết.
Nhờ vậy, sau những năm miệt mài theo đuổi đam mê, hiện tại sản phẩm của chị được nhiều khách tìm đến tận nơi để mua, lượng khách nước ngoài cũng dần tăng theo thời gian.
Chị Hạnh cho biết, để có được những sản phẩm amigurumi đẹp đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ rất cao của người làm ra nó. |
“Cách đây 6 năm, khi tôi bắt đầu tiếp cận với amigurumi thì các tác giả thiết kế ở Việt Nam mới chỉ có một vài người. Nên hầu như công thức móc toàn viết bằng tiếng Anh, mình phải học các ký hiệu đan móc của họ sau đó mới có kinh nghiệm để làm.
Bên cạnh đó, một số người chưa hiểu được giá trị của đồ handmade, nên họ so sánh với đồ may công nghiệp, nhất là giá cả. Khi khách hàng nhìn sản phẩm đều rất thích vì nó chưa phổ biến như thú bông vải, nhưng khi nói giá thì không phải ai cũng chấp nhận mỗi sản phẩm có mức giá từ 300.000 - 400.000 đồng.
Giá cả chênh lệch đã là 1 rào cản, nhưng trên thị trường, sự cạnh tranh không lành mạnh mới là điều đáng sợ nhất” - Chị Hạnh chia sẻ về những khó khăn mà chị đã từng gặp phải.
Chị Hạnh và những chú thú bông đầu tay |
“Thông thường nếu đặt sản phẩm tôi làm thì khách phải đặt cọc trước 1 khoản tiền. Vì thế có lần tôi bị “dính” thị phi, khách nghi ngờ tôi lừa đảo. Nghe được tôi cũng chạnh lòng nhưng cũng may lần đó khách nói thẳng nên tôi đã kịp thời xử lý, bằng cách giới thiệu cho họ một số cửa hàng bán thú bông amigurumi mà họ có thể đến để chọn lựa, đồng thời giúp khách so sánh giữa các sản phẩm và cuối cùng họ vẫn chọn sản phẩm của tôi”- Chị Hạnh kể về một tình huống khó quên trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Sau khi đã quen dần, chị vừa làm sản phẩm vừa viết thiết kế mẫu amigurumi (cả tiếng Việt và tiếng Anh) để bán cho khách trong nước và nước ngoài. Hiện tại, chị đã sở hữu một cửa hàng online trên sàn thương mại Etsy của Mỹ. Cửa hàng thú bông online và công việc thiết kế mẫu mang lại cho chị một nguồn thu nhập ổn định, trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Các sán phẩm mang thương hiệu Anan.amilove của chị Hạnh thường có kích thước từ 20-30cm, giá dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/sản phẩm. |
“Làm mẹ đơn thân tuy có vất vả nhưng thật may là từ ngày làm việc này mình vừa có thể kiếm tiền để trang trải cuộc sống, vừa thực hiện được đam mê. Lúc đầu đơn giản chỉ vì kiếm tiền nuôi 2 con, nhưng sau đó là sự say mê, là niềm hi vọng có thể đi được đường dài với nghề, đưa bộ môn nghệ thuật này phổ biến rộng rãi”, chị Hạnh giãi bày.
Những lúc rảnh rỗi, chị Hạnh thường quay video hướng dẫn cách móc len cơ bản, chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Kênh Youtube dạy móc những mẫu thiết kế free của chị đã trở thành đối tác với Youtube từ tháng 10/2020. Chị chia sẻ, vì làm sản phẩm, thiết kế mẫu và chăm con nên hiện chị chỉ có thể vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm nâng thương hiệu cho cửa hàng của mình.
Chị Hạnh dự định sắp tới sẽ vừa mở lớp dạy online vừa mở lớp dạy trực tiếp kết hợp shop trưng bày sản phẩm và bán len nguyên liệu. Đồng thời tập trung vào thiết mẫu để giới thiệu, tìm hiểu mở rộng các kênh bán hàng để mang sản phẩm của mình tiếp cận nhiều hơn với nhiều đối tượng.
“Mối duyên dẫn đến nghề đã giúp mình khám phá ra năng lực của bản thân. Đúng là mỗi hoàn cảnh sẽ dẫn dắt mỗi người chúng ta kiếm tìm con đường của riêng mình, trên con đường đó bạn nhận ra được giá trị của bản thân, trả lời được cho bạn câu hỏi mình nên làm gì, mình phải sống như thế nào”, đó là những suy nghĩ mà chị Hạnh luôn tự nhủ bản thân mình, cũng như muốn gửi gắm tâm tư tới những ai đang e ngại, chưa dám theo đuổi đam mê, nhất là những người mẹ đơn thân như chị.
Đoàn Sao
Về quê, bán hết vàng cưới, cặp vợ chồng trẻ trồng bưởi sinh thái, nuôi ong làm giàu
Vừa học xong đại học, Trần Huyền Ân (Phú Yên) theo chồng về Hà Tĩnh lập nghiệp trồng giống bưởi Phúc Trạch với mô hình trồng sinh thái.