Bỏ công việc ở thành phố, 9x quyết về "bản voi" khởi nghiệp với măng tây xanh
Từ bỏ công việc quản lý kinh doanh tại một công ty với mức lương ổn định, Hồ Thế Mỹ (Đắk Lắk) bỗng quyết định về quê cải tạo 0,5 sào đất rẫy của gia đình để trồng thử nghiệm cây măng tây xanh, tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Từ sự nỗ lực và niềm đam mê, anh Hồ Thế Mỹ (SN 1992, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã khẳng định được sức trẻ và nhiệt huyết của bản thân khi khởi nghiệp thành công với cây măng tây xanh trên chính mảnh đất quê hương mình.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Huấn luyện viên, Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh vào năm 2016, Thế Mỹ đã thử sức với nhiều công việc ở nhiều nơi khác nhau.
Đi làm được hai năm, học hỏi được kiến thức ở nhiều lĩnh vực, chàng trai 9x đã quyết tâm trở về địa phương với mong muốn làm giàu trên chính quê hương. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có đến bảy anh chị em, cha bỏ đi khi Mỹ mới lên bảy, một mình mẹ gồng gánh nuôi mấy anh em đi học với nghề nông. Vùng đất Buôn Đôn lại có khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên mẹ Mỹ cũng như những người dân ở đây canh tác chủ yếu là cây hoa màu theo thời vụ, năng suất lại không cao.
Thế Mỹ chia sẻ: “Trong quá trình đi làm, được tiếp xúc, học hỏi nhiều cách làm hay của nông dân, tôi bắt đầu hình thành suy nghĩ về phát triển nghề nông theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Sau nhiều lần khăn gói lên đường học tập kinh nghiệm ở các mô hình canh tác nông nghiệp tại một số tỉnh lân cận, tôi quyết định chọn cây măng tây xanh vì nó vừa hợp thổ nhưỡng địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế cao và thị trường rất ưa chuộng".
Anh Hồ Thế Mỹ đang kiểm tra vườn măng tây liên kết với người dân tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. |
Nghĩ là làm, Thế Mỹ bắt đầu từ bỏ công việc quản lý kinh doanh tại một công ty đang có mức lương ổn định và bắt tay vào khởi nghiệp bằng việc cải tạo 0,5 sào đất rẫy của gia đình để trồng thử nghiệm cây măng tây xanh và tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Cùng lúc đó, với mong muốn đưa cây măng tây trở thành một trong những loài cây đặc thù của vùng đất Buôn Đôn, góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, Thế Mỹ đã đưa giống măng tây xanh Atlat của Mỹ và Sun Lim của Hà Lan về trồng.
Nhờ nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng tại địa phương và nắm rõ được nguyên lý trồng măng tây xanh không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên ngoài diện tích tự trồng, Thế Mỹ còn liên kết với người dân địa phương trồng 1 ha măng tây theo hướng hữu cơ.
Bằng sự năng động, tìm tòi của tuổi trẻ, Mỹ còn tìm được đơn vị bao tiêu sản phẩm cho 10 ha măng tây trong vòng 5 năm vì vậy anh quyết định tập trung hoàn toàn vào trồng măng tây sạch.
Cùng với việc mở rộng diện tích cây măng tây xanh tại địa phương, tôi và các cộng sự trong công ty sẽ hướng đến những sản phẩm chế biến sâu từ măng tây như: bột măng tây dinh dưỡng, trà măng tây, măng tây sấy khô, măng tây muối chua để đa dạng sản phẩm và tăng giá trị của măng tây trên thị trường". Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Nông sản hữu cơ Việt Nguyên Hồ Thế Mỹ |
Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo cho cây phát triển tốt nhất nên năng suất cây măng tây mang lại cũng không ngoài mong đợi của Thế Mỹ. Nếu năm 2018 anh bắt đầu với 0,5 sào thì đến nay diện tích măng tây của anh đã tăng lên gấp 11 lần.
Măng tây cho thu hoạch hằng ngày ở tháng thứ 7 - thứ 8 sau khi gieo trồng. Sau khi thu hoạch liên tục trong 2,5 - 3 tháng, cây măng tây cần nghỉ 1 tháng để chăm sóc. Tuổi thọ cây khi trồng thương mại có thể dài từ 6 - 7 năm. Theo tính toán của Thế Mỹ, 1 sào măng tây hiện cho thu hoạch 8 -12 kg/ngày, với giá thu mua thấp nhất là 40 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì .
Nhận thấy cây măng tây khá dễ trồng, dễ chăm sóc, tốn ít chi phí nên Thế Mỹ quyết định liên kết với người dân để mở rộng diện tích, đồng thời tháng 6-2020, anh thành lập Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Nông sản hữu cơ Việt Nguyên để có thể hỗ trợ tốt hơn cho người dân trong tiêu thụ sản phẩm và từng bước tăng tính thương mại hóa măng tây của mình.
Sản phẩm măng tây do Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Nông sản hữu cơ Việt Nguyên sản xuất. |
Với sự chịu khó học hỏi để nắm vững kiến thức về nông nghiệp cùng sự nhạy bén khi tự tìm được đầu ra cho sản phẩm, Thế Mỹ đã xây dựng mô hình rau sạch từ măng tây xanh là cây trồng chính, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và nhiều hộ dân khác.
Với khát vọng đưa cây măng tây xanh phát triển thành cây chủ lực trên đất nghèo Buôn Đôn, cũng như tạo ra chuỗi sản phẩm rau hữu cơ cung ứng cho thị trường theo quy trình khép kín, hiện công ty đang tận dụng tối đa mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử để chia sẻ giá trị của măng tây và bán hàng.
Thế Mỹ định hướng sẽ tiếp tục liên kết với người dân để phát triển diện tích trồng măng tây xanh lên 10 ha vào năm 2021 và khi đủ sản lượng sẽ đưa trực tiếp vào hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu.
Câu chuyện khởi nghiệp từ măng tây xanh của Thế Mỹ không chỉ là một minh chứng về thành công từ sự nỗ lực trong làm nông nghiệp, về sự năng động, chủ động thay đổi tư duy canh tác, tìm kiếm thị trường mà còn khẳng định được sức trẻ và nhiệt huyết khi lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Chuyện khởi nghiệp liều lĩnh của 'cô bé mùn cưa'
Từ lúc trong tay có vỏn vẹn 30 triệu đồng, vay mượn khắp nơi; thậm chí là vay lãi ngày… cô gái 8X đã cùng chồng sản xuất thành công viên nén mùn cưa làm chất đốt xanh cho môi trường từ những phế liệu mùn cưa, rơm rạ…
Theo baodaklak.vn