Anh chàng khởi nghiệp ở Bến Tre: Nhà vườn nào có giỗ, cưới hỏi, mời khách du lịch cùng dự, ai nấy vô cùng thích thú
Bến Tre có nhiều sông rạch, bờ sông nhiều dừa nước, những con đường làng trải đầy hoa, có rừng ngập mặn, nhà vườn nào tổ chức đám giỗ, đám hỏi, cưới, khách du lịch cũng được tham dự đầy thích thú các đám tiệc này của người miền Tây.
Câu chuyện khởi nghiệp của anh nông dân Võ Văn Phong (sinh năm 1983) ở tỉnh Bến Tre là minh chứng cho thấy muốn khởi nghiệp thành công phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Khởi nghiệp dựa trên 3 yếu tố: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa
Theo chia sẻ của anh Võ Văn Phong, anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2017 bằng việc thành lập Công ty Du lịch C2T. Bản thân là một người nông dân nên khởi nghiệp của anh cũng gắn bó với người nông dân Bến Tre quê anh, đó là làm du lịch sinh thái, gắn với sinh kế của những người dân xứ dừa.
Bến Tre có nhiều sông rạch, bờ sông nhiều dừa nước, có những hàng bần chua bốn mùa trĩu trái, những con đường làng trải đầy hoa, có rừng ngập mặn. Phong tìm đến các nhà vườn để liên kết đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bà con cùng tham gia làm du lịch bằng việc bán thức ăn, trái cây với giá phải chăng cho du khách.
C2T còn hình thành tour du lịch nơi rừng ngập mặn, tour du lịch "Thành phố dưới tán dừa",...Không chỉ thế, nếu có nhà vườn nào trong chuỗi liên kết du lịch của anh tổ chức đám giỗ, đám hỏi, đám cưới, anh sẽ mời khách tham dự, nhiều khách rất thích thú khi trải nghiệm các đám tiệc này của người miền Tây.
Anh Võ Văn Phong trong một lần dẫn du khách thăm quan. |
Nói về ý nghĩa của tên gọi C2T, anh Võ Văn Phong cho biết: C2T là "chỉ có tận tâm, tận tình". Chỉ sau một năm thành lập, dự án khởi nghiệp khai thác tài nguyên bản địa làm du lịch của anh Phong đã đoạt giải Nhất tại cuộc khởi nghiệp toàn quốc tổ chức vào cuối năm 2018 tại TP.HCM.
“Trước khi khởi nghiệp với du lịch, tôi thường giúp bà con nông dân làm sao tiêu thụ nông sản của địa phương mình. Lý do khởi nghiệp từ du lịch cũng xuất phát từ ý tưởng “dụ” khách về quê hương mình để họ thưởng thức nông sản địa phương, từ đó có cơ hội bán nông sản cho du khách, chính du khách là những đại sứ lan tỏa sản phẩm”, anh Võ Văn Phong chia sẻ.
Với bản tính mộc mạc, chân chất của người dân miệt vườn, CEO của Công ty Du lịch C2T bộc bạch một cách chân tình:
“Thấy mình giúp được cho nông dân, các anh lãnh đạo địa phương bảo, ê chú em này cũng hay đấy, sao mày làm được vậy? Mình chia sẻ ý tưởng với các anh, từ đó không chỉ được lòng nông dân mà còn được các anh yêu quý. Cho nên việc khởi nghiệp của mình có thể nói là đầy đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Yếu tố “thiên thời”, theo anh Phong, đó là thời điểm khởi nghiệp năm 2017 du khách trong và ngoài nước đến với Bến Tre rất đông. Họ đến bởi vì yêu thích những sản phẩm du lịch độc đáo của vùng miệt vườn mà không nơi nào có được, cũng như đến vì lòng hiếu khách của người dân xứ dừa.
Anh Phong trực tiếp hướng dẫn du khách thăm quan miệt vườn sông nước và giúp bà con tiêu thụ nông sản. |
Yếu tố “đia lợi” là việc am hiểu quê hương Bến Tre, hiểu được tất cả nông sản, đặc sản của địa phương mình. Bến Tre là nơi anh Phong sinh ra và lớn lên nên anh hiểu được văn hóa địa phương.
Mô hình khởi nghiệp với du lịch của anh Phong được anh chia sẻ một cách đầy bất ngờ, lý thú. Đó là anh từng học hỏi rất nhiều mô hình khởi nghiệp nhưng không thấy có mô hình nào phù hợp với mình. Anh sợ rằng nếu cứ áp dụng một cách máy móc thì cái mô hình ấy sẽ thành… đứng hình.
“Tôi rút ra từ thực tiễn là cùng một cửa hàng, cùng một sản phẩm và cùng một giá tiền mà sao đến cuối ngày có bạn nhân viên bán được nhiều sản phẩm, trong khi đồng nghiệp của bạn ấy, người mang cùng loại đồng phục, lại bán được ít hơn. Như vậy là họ khác nhau về con người. Trước khi phát triển kinh doanh thì mình phải học phát triển bản thân, thay đổi nhận thức tư duy của mình, mình giao tiếp tốt thì được mọi người thương mến và mình sẽ dễ dàng bán hàng hơn.
Bây giờ chuyện kinh doanh của mình thay đổi liên tục nên không có mô hình nào áp dụng được. Một khi đã khởi nghiệp thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tiền. Mình không đóng đinh trong tư duy là chỉ làm du lịch theo cách truyền thống, người nào thương mình thì mua cho mình con gà là mình cũng đã có tiền rồi. Người nào thương mình mua cho mình con tôm là mình đã có tiền. Mục tiêu của mình đặt ra chính là lợi nhuận, còn mô hình như thế nào không quan trọng, quan trọng là ngày hôm nay mình kiếm được bao nhiêu tiền”, anh Phong bày tỏ
Theo quan niệm của anh Phong, giá trị trao đi cho thị trường sẽ là thứ quyết định để khách hàng “thích mình, thương mình”, và người ta sẽ mua hàng cho mình.
“Mình giúp được nhiều cho nông dân thì tự nhiên mình sẽ được lòng lãnh đạo địa phương. Được lòng lãnh đạo tự nhiên họ sẽ giới thiệu khách hàng cho mình, tự nhiên uy tín của mình được nâng lên và mình sẽ có nhiều đơn hàng lớn. Mình phải hiểu được văn hóa địa phương và thấu hiểu người ta muốn gì ở mình thì mình giúp người ta, tự nhiên mình có nhiều cơ hội”, anh Phong chia sẻ thêm.
Tiếp tục chia sẻ về cái gọi là “mô hình kinh doanh”, anh doanh nhân nông dân này bật mí điều có lẽ rất hiếm khi được dạy trong sách dạy làm giàu:
“Thực sự tôi không biết mô hình kinh doanh là cái gì, nhưng bây giờ thị trường biến động liên tục, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi. Người ta lên internet nhiều hơn nên tôi cũng thay đổi phương thức bán hàng liên tục, miễn sao mình tiếp xúc, quan tâm, chăm sóc được cho nhiều người. Để rồi cuối cùng người ta nói “ê Phong ơi tao muốn ăn tôm càng xanh”, “tao muốn ăn trái bần”, “Tao muốn ăn trái dừa”,…. Thì mình trả lời “Dạ em có bán luôn.
Cuối cùng mình không chỉ lời được tiền mà còn lời được mối quan hệ. Có khách hàng nói: “Phong ơi, anh muốn về Bến Tre mua đất” là mình cũng đáp ứng luôn cho người ta. Rồi người ta mua đất xong người ta lại cũng nhờ mình trông coi dùm, người ta xây cái homestay trên khu đất đó, rồi ngỏ ý nhờ mình trông coi cũng được luôn”.
Theo anh Phong, việc thay đổi liên tục theo từng thời điểm, khiến người làm khởi nghiệp như anh phải nhanh chóng thích ứng, chứ không theo mô hình nào. Việc anh cần làm là gần gũi với người dân, thấu hiểu được văn hóa ẩm thực bản địa, thấu hiểu được suy nghĩ và tư duy của từng người lãnh đạo địa phương. Như thế việc khởi nghiệp mới hội tụ đủ 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch của C2T. |
Không nề hà việc nhỏ nhất
“Từ những mối quan hệ với các khách hàng, với lãnh đạo địa phương sẽ ra các mối quan hệ làm ăn khác khi người ta giới thiệu cho mình các mối làm ăn. Để được mọi người yêu quý như vậy không phải là mình cho tiền người ta mà bởi vì mình luôn sẵn sàng giúp đỡ họ bất kể việc gì”, anh Phong nói.
Thực tế, anh Phong không bán cái gì khác ngoài bán chính bản thân mình, đó là bán cái tình cảm, sự chân thành mộc mạc của mình, ở anh có tình yêu quê hương và thấu hiểu sâu sắc về văn hóa nơi anh sống.
Giám đốc trẻ này cũng không nề hà bất cứ việc nhỏ nhặt nào, bởi anh tâm niệm chuyện nhỏ nào cũng sẽ đưa anh đến với chuyện lớn. Theo anh, rất dễ để lấy được sự tín nhiệm của thị trường thông qua chuyện nhỏ, một khi đã được tín nhiệm thì chuyện lớn sẽ tới theo lẽ tự nhiên mà chẳng phải tranh đấu gì.
Sự thành công của anh Phong là bởi anh không đi quá địa dư vùng miền của mình. Câu chuyện của anh cũng là một gợi ý cho những người trẻ muốn khởi nghiệp, chỉ nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, không nên làm gì vĩ đại quá, bài bản quá. Chỉ khi có nền tảng vững chắc mới có thể mở rộng ra một cách từ từ. Khi đó, cái nhỏ sẽ biến thành cái lớn rất nhanh thôi.
Tuân Nguyễn (ghi)
Bỏ việc tại tập đoàn xe hơi danh tiếng, tiến sĩ người Việt từ tay trắng thành ông chủ nhà hàng nổi tiếng trên đất Pháp
Từ một Tiến sỹ làm việc tại hãng xe hơi Renault danh tiếng tại Pháp, anh Phan Viết Phong kể ngày đầu bạn bè nhìn thấy cảnh anh vác gạo, rồi tự tay phụ bếp, họ thương lắm vì chỉ vài ngày trước còn lịch lãm trong bộ vest văn phòng