Siết cho vay bất động sản, người vay mua nhà có bị áp lực?
Việc siết tín dụng vào bất động sản, theo chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong thời gian tới. Còn với người mua nhà để ở, sẽ chịu áp lực về lãi suất có thể sẽ tăng thêm...
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản. Vì thế, đã có một số ngân hàng thương mại có động thái ‘siết’ cho vay, ngưng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Điều này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản, đối tượng nào sẽ chịu ảnh hưởng và giá bất động sản sẽ tăng, giảm ra sao?
Theo chuyên gia, siết cho vay bất động sản, người mua nhà để ở sẽ chịu áp lực về lãi suất có thể sẽ tăng thêm; còn giá đất sẽ đứng yên hoặc giảm.... |
Chia sẻ với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, có thể thấy ‘cặp đôi’ bất động sản và ngân hàng thương mại gắn bó nhau khá nhiều năm trong việc ngân hàng cấp tín dụng, bất động sản nhờ đó tăng mạnh.
Tuy nhiên, từ năm 2019, các cơ quan quản lý đã nhận thấy rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản nên đã ‘siết’ tín dụng đổ vào lĩnh vực này. Năm 2020-2021, trong lúc ngân hàng giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản thì trái phiếu doanh nghiệp phát hành rất mạnh, với phần lớn trái chủ là các ngân hàng và cũng đã dần được kiểm soát chặt hơn.
“Khi bị “siết” tín dụng, bất động sản chắc chắn gặp khó khăn. Khó khăn từ phía nhà đầu tư không còn thuận lợi dễ dàng để vay, mặc dù có thể nhà đầu tư cá nhân vẫn tính toán được miếng đất tốt, chấp nhận trả lãi, ‘gồng’ trong giai đoạn giá chưa tăng nhưng ngân hàng không dám cho vay; dẫn đến nhà đầu tư không mua được miếng đất này.
Theo đó, thị trường không bán được, mất thanh khoản, tạo dây chuyền lan rộng, thị trường có thể đi đến ‘đóng băng’. Với doanh nghiệp bất động sản trong chiến lược ‘đất là vua’, lấy đất trước, xây dựng sau, bán hàng sau chắc chắn khó khăn trong giai đoạn tới”, ông Hiển nhận định.
Còn với người mua nhà để ở, nhất là mua căn hộ chung cư, ông Hiển cho rằng, ngân hàng vẫn có thể cho vay. Tuy nhiên, người mua nhà có thể sẽ chịu áp lực về lãi suất có thể sẽ tăng thêm.
Trước áp lực về tín dụng như vậy, giá nhà đất sắp tới sẽ ra sao?
Trả lời câu hỏi này, ông Hiển cho hay, nhiều người vẫn còn tự tin rằng giá đất sẽ vẫn tăng vì dựa vào kinh nghiệm 5-7 năm qua. Thế nhưng, ông cho rằng giá nhiều nơi sẽ không thể tăng.
“Những nơi đất nền, đất nông nghiệp tách sổ nhưng khả năng ‘biến’ thành đất ở, khai thác kinh doanh, xây dựng nhà ở hoặc cho thuê rất khó... đã có giá cao trong vài năm nay thì sẽ đứng giá hoặc giảm giá, chứ khó tăng giá trong năm nay; ngoại trừ những khu vực đột biến về đầu tư hạ tầng hay doanh nghiệp lớn về đầu tư khu công nghiệp lớn”, ông Hiển nhận định.
Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Batdongsan.com.vn tại khu vực miền Nam cho rằng, siết chặt tín dụng chứ không phải hạn chế toàn bộ tối đa. Tuy nhiên, việc ‘siết’ tín dụng cũng ảnh hưởng, đầu tiên làm hạ nhiệt thị trường bất động sản, ưu tiên vốn vào sản xuất kinh doanh.
“Giả sử, nếu đưa room (hạn mức) tín dụng ngân hàng khoảng 20%, trong đó 8% cho bất động sản và 12% dành cho sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, khi thấy thị trường bất động sản tăng trưởng rất nhanh, rất mạnh thì không phải 12% đi vào sản xuất kinh doanh nữa mà gần như 20% đi vào thị trường bất động sản.
Khi tiền ở trong thị trường bất động sản là tiền không vận động, việc tạo ra giá trị cho thị trường thấp xuống, giá tiếp tục tăng lên nhưng hồi phục về sản xuất kinh doanh không có.
Vì thế, câu chuyện của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là hạ nhiệt thị trường, điều chỉnh nguồn vốn đi vào thị trường bất động sản và sản xuất kinh doanh. Đối với những người lần đầu đi vay hoặc lần đầu đầu tư bất động sản sẽ có lợi thế, giá được kiểm soát”, ông Tuấn phân tích.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2008-2010, room tín dụng cho vay bất động sản rất lớn, lên đến 25%, dẫn đến khi thị trường có động thái siết chặt tín dụng thị trường đã có làn sóng bán tháo bất động sản.
Do đó, năm 2022 chúng ta đã có những động thái siết một phần liên quan đến dòng vốn vào thị trường bất động sản. Vì thế, với những người mua, những người tham gia thị trường bất động sản mà không cần vay vốn sẽ có lợi thế. Đồng thời, sẽ làm cho thị trường có mức độ ổn định bền vững hơn thời gian tới.
Minh Thư
Thao túng, thổi giá làm loạn thị trường bất động sản, sao chưa xử như thao túng chứng khoán?
Bất động sản sốt nóng tại nhiều nơi do bị một số nhóm đầu cơ bơm thổi đẩy giá, gây sốt nóng, thao túng thị trường. Các hành vi này có phạm pháp không và liệu có bị xử lý?