Thao túng, thổi giá làm loạn thị trường bất động sản, sao chưa xử như thao túng chứng khoán?
Bất động sản sốt nóng tại nhiều nơi do bị một số nhóm đầu cơ bơm thổi đẩy giá, gây sốt nóng, thao túng thị trường. Các hành vi này có phạm pháp không và liệu có bị xử lý?
Chuyên gia đặt vấn đề, liệu hành vi thao túng thị trường bất động sản có bị xử lý như thao túng thị trường chứng khoán? |
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trong năm 2020-2021, kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch nhưng thị trường bất động sản lại có sức nóng, giá cả thị trường liên tục thay đổi. Hiện tượng nóng sốt này đã gây những áp lực lớn cho thị trường.
Theo ông Đính, gần đây, hiện tượng đất đai ở một số nơi ‘nhảy múa’, giá tăng vọt, trong đó có sự góp sức, tiếp tay của những nhà đầu cơ, của môi giới không chuyên nghiệp lẫn chuyên nghiệp. Những cơn sốt giá không phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương, ngược lại để lại nhiều hệ lụy khó lường, khiến thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh.
Nhắc đến việc mới đây có một doanh nhân bị bắt do thao túng thị trường chứng khoán, ông Đính cho rằng, bất động sản giai đoạn vừa rồi cũng bị một số nhà đầu cơ, môi giới thao túng ở một số thị trường.
“Các hành vi này liệu có đúng với quy định của pháp luật hay không? Liệu có bị xử lý hay không? Đây là câu chuyện pháp luật sẽ phải nghiên cứu nếu có phải xử lý, còn nếu chưa có cũng phải nghiên cứu để đưa vào luật.
Chúng tôi kiến nghị, đề xuất làm thế nào phải bình ổn được thị trường trong bất kỳ tình huống nào. Chẳng hạn, đất đai ‘nhảy múa’, giá bất động sản tăng, các phân khúc không phù hợp phải có sự điều tiết bằng chính sách nào đó chủ yếu làm cho cân bằng thị trường, để thị trường quyết định, đi đúng quỹ đạo”, ông Đính nói.
Ý kiến khác cho rằng, hoạt động môi giới chứng khoán chỉ phục vụ số ít các nhà đầu tư nhưng luật nhiều, chế tài rất kỹ. Trong khi môi giới bất động sản phục vụ đại đa số người dân, việc giao dịch thành công không chỉ là câu chuyện mua bán mà còn là ổn định cuộc sống, nơi an cư của cả đời người.
Vì thế, cần thiết xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và quyết liệt trong chế tài, hướng đến thị trường minh bạch và sự chuyên nghiệp của các nhà môi giới, dù là cá nhân hay tổ chức.
Thực tế diễn biến trên thị trường bất động sản cho thấy, cuối 2021 và đầu năm 2022, giá đất tăng và sốt đất tiếp tục xảy ra trên bình diện lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Điển hình như cơn sốt đất ở Bình Dương, Đồng Nai trước đây rồi sau đã lan rộng ra Bình Phước, Tây Ninh, một số khu vực như Bến Lức, Đức Hòa (Long An)... Hiện khu vực như Phan Thiết, La gi, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc ở Bình Thuận; xa hơn như Bảo Lộc, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột... hoặc một số tỉnh miền Bắc, miền Trung cũng đều xuất hiện tình trạng sốt đất.
Việc giá bất động sản tăng bất thường có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng được cho là xuất phát từ việc “cò đất” và môi giới bất động sản liên kết tạo “sóng”, “làm giá”...
Đánh giá về thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai khía cạnh. Thứ nhất, là cần lưu ý khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3-5 lần trong thời gian qua. Giá neo ở mức cao nên có thể gặp khó khăn trong thanh khoản. Thứ hai, cần lưu ý tới sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư.
Minh Thư
Cấm gom đất rồi phân lô, tách thửa cắt sốt tức thời nhưng lãnh đạo hội BĐS nói đây mới là cách triệt để chống mua găm giữ đẩy giá
Tạm dừng phân lô, tách thửa tạm có tác dụng, nhưng lâu dài cần xử lý mạnh bằng các sắc thuế để kìm hãm triệt để; phải đánh thuế thật nặng việc mua đất chỉ găm giữ để đó, bán chỉ thấy lỗ thì người ta sẽ dừng lại