DN bất động sản nới thời hạn thanh toán mua nhà, kết nối y tưởng để bán hàng trong đại dịch
Doanh nghiệp đã điều chỉnh thời gian thanh toán mua nhà nới rộng từ 24 tháng lên 30 tháng, thậm chí tới 36 tháng. Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, đây là một phương án điều chỉnh để giữ vững thị trường trong lúc chờ đại dịch qua đi
Nhiều áp lực bủa vây
Qua khảo sát tại khu vực TP.HCM và tỉnh lân cận, có đến 70% số doanh nghiệp môi giới bất động sản đang gặp khó khăn về doanh thu, cắt giảm nhân sự, giảm lương và có nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động; còn lại 30% doanh nghiệp đang duy trì hoạt động.
Đây là thông tin được ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam cho biết tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid-19: Giải pháp và kiến nghị”.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các hoạt động mở bán dự án không tổ chức được, công trình phải ngừng thi công theo quy định, tuy nhiên doanh nghiệp bất động sản vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn. |
Đáng chú ý, ông Lâm cho hay, có đến 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10% và đây là nhóm có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao. 30% có mức doanh thu từ 30 - 50%, được đánh giá là nhóm nguy cơ ngưng hoạt động cao. Chỉ có 10% số doanh nghiệp ở nhóm tạm ổn định, doanh thu 50-70% và 10% còn lại là doanh nghiệp nằm trong diện ổn định.
Theo ông Lâm, do dịch bệnh, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội khiến mọi kế hoạch của các doanh nghiệp đảo lộn, các mục tiêu trong năm và mục tiêu dài hạn bị tác động, ảnh hưởng nặng.
“Mặc dù doanh thu giảm hoặc không có nhưng chi phí thuê mặt bằng văn phòng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng… vẫn phải trả. Hơn nữa, dòng tiền của các chủ đầu tư cũng eo hẹp nên các sàn khó thu hồi công nợ. Hoạt động kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ, nhân viên không có thu nhập, dẫn đến việc rời bỏ công ty”, ông Lâm nêu thực trạng.
Từ góc độ chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land cũng cho biết, doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các hoạt động mở bán dự án không tổ chức được, công trình phải ngừng thi công theo quy định ảnh hưởng đến tiến độ; giá cả vật liệu xây dựng leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình xây dựng. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường, bà Hương cho rằng, sau khi dịch bệnh qua đi, việc tìm kiếm nhân công lao động cho các công trình xây dựng cũng là vấn đề lớn của các nhà thầu.
“Hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo.
Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay khi doanh thu và dòng tiền sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao. Tình trạng doanh thu bị giảm sút khiến bài toán duy trì hoạt động sẽ gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự, giảm lương từ 20-30% là giải pháp tạm thời để duy trì bộ máy hoạt động của mình”, bà Hương cho hay.
Doanh nghiệp đề xuất giảm thuế, giãn nợ, giảm lãi vay...
Tổng hợp kiến nghị từ các doanh nghiệp phía Nam, ông Phạm Lâm cho biết, doanh nghiệp đều đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp như thuế VAT, giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân hoạt động tại sàn giao dịch và môi giới bất động sản. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị giãn nợ, giảm lãi vay và sớm tiếp cận được nguồn vay vốn ưu đãi....
Với vai trò chủ đầu tư bất động sản, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, doanh nghiệp đang điều chỉnh phương án sản phẩm trước khi đưa ra thị trường sau khi dịch qua đi.
Bà Hương cho rằng, sản phẩm đưa ra thị trường thành công thì việc liên kết, đồng hành từ chủ đầu tư và đội ngũ môi giới rất quan trọng, thông qua các chính sách bán hàng phải đủ mức độ hấp lực, sát với thực tế thị trường.
“Doanh nghiệp đã điều chỉnh thời gian thanh toán của sản phẩm, theo đó nới rộng từ 24 tháng lên 30 tháng, có những sản phẩm tăng lên 36 tháng thanh toán. Khách hàng chỉ phải thanh toán khoảng 30% sản phẩm trong vòng từ 5 - 6 tháng đầu và đến khi nhận nhà mới thanh toán phần còn lại”, bà Hương nói về một số giải pháp doanh nghiệp đã đưa ra.
Khẳng định đến thời điểm này chưa áp dụng biện pháp cắt giảm nhân sự, Phó Chủ tịch Cen Group Phạm Thanh Hưng cho rằng, điều quan trọng nhất là tinh thần, nếu tinh thần tốt sẽ có giải pháp ngay.
“Để vượt qua đại dịch, quan trọng nhất là làm sao vượt qua được nỗi sợ hãi và vượt qua được sự co cụm. Phải cẩn trọng, đảm bảo an toàn nhưng không phải như ‘con đà điểu rúc đầu xuống cát’ và mong một ngày đại dịch sẽ đi qua. Chúng ta phải luôn luôn hành động và có biện pháp”, ông Hưng nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông Hưng cho biết, tại đơn vị ông, từ HĐQT, Chủ tịch đến các Tổng giám đốc, ban điều hành, các đơn vị thành viên... đều thường xuyên họp hàng tuần, thường xuyên tương tác với anh em, động viên, chia sẻ, khích lệ tinh thần cho họ.
Ông Hưng tiết lộ, đơn vị ông cũng đang đầu tư nhiều tỷ đồng để làm chương trình “Home Now” – tức là ở nhà đi, cũng là làm việc ở nhà đi, mua nhà đi... giúp anh em môi giới có việc làm thiết thực để phát triển năng lực bản thân, hệ thống, đào tạo đội ngũ.
Minh Thư
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hà Nội: Nhà ở xã hội rao bán giá tăng gấp 2-3 lần sau 5-10 năm
Giá bán căn hộ NOXH cách đây chục năm chưa đến 9 triệu đồng/m2, nhưng nay nhiều nơi rao bán tăng gấp 3 lần, ở mức 21 - 24 triệu đồng/m2, dự án đã sử dụng hơn 5 năm giá cũng tăng cả chục triệu đồng mỗi mét vuông...