Đất tỉnh ven Hà Nội đóng băng, sẵn 5 tỷ đồng có nên đầu tư lúc này?
Thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Hưng Yên đang ‘đóng băng’, nhiều nhà đầu tư không ‘thoát’ hàng được do mua lúc giá bị ‘thổi’ lên quá cao.
Anh Nguyễn Hưng ở Hà Nội đang có sẵn 5 tỷ đồng và đang tìm đầu tư đất ở các tỉnh lân cận Hà Nội. Được người bạn rủ góp vốn đầu tư đất ở Hưng Yên khi cho rằng đây là địa phương có hạ tầng khá tốt nên thị trường bất động sản sẽ có khả năng hấp thụ, thanh khoản cao và sẽ còn khả năng tăng giá tiếp.
Tìm hiểu thị trường Hưng Yên, anh Hưng thấy nơi đây cũng đã xuất hiện các đại dự án từ những chủ đầu tư lớn cùng quy hoạch hạ tầng, giao thông, khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Thế nhưng, thời gian qua thị trường bất động sản Hưng Yên phát triển không đồng đều, giao dịch sôi động nhất vẫn là khu vực phụ cận như Văn Giang, Văn Lâm….
Sốt đất chỉ diễn ra cục bộ tại một số khu vực hưởng lợi hạ tầng dự án, khu công nghiệp… khiến anh Hưng lo ngại về sự phát triển bền vững, về việc tăng giá trong tương lai.
Vậy có nên xuống tiền đầu tư đất ở Hưng Yên thời điểm này hay không? – anh Hưng băn khoăn.
Đất Hưng Yên tăng giá nhanh, sẵn 5 tỷ đồng tôi có nên đầu tư thời điểm này? (Ảnh minh họa) |
Đánh giá về tiềm năng bất động sản một số thị trường lân cận Hà Nội, chia sẻ với PV Infonet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cho hay: Thị trường bất động sản một số tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương… trong đó chủ yếu là đất nền đã có cơn sốt rất mạnh, thiết lập mặt bằng giá mới. Các tỉnh này đất đều tăng giá 30-50% so với năm 2019, mức độ tăng giá trong thời gian ngắn như vậy theo ông Toản là rất lớn.
Riêng tại thị trường Hưng Yên, ông Toản cho hay, một số nhà đầu tư lớn đầu tư vào những dự án quy mô lớn, họ ‘thổi giá’ khiến giá bất động sản rất cao.
“Giáp ranh Hà Nội nhưng so sánh giá bất động sản Hưng Yên với một số dự án ở Gia Lâm thì giá bất động sản Hưng Yên tăng gấp 2-3 lần. Nhưng đến thời điểm hiện tại, thị trường Hưng Yên đang ‘đóng băng’, nhiều nhà đầu tư không ‘thoát’ hàng được, không bán được do giá bị ‘thổi’ lên quá cao.
Khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường Hưng Yên tránh bị cuốn theo tâm lý đám đông để quyết định mua, trong khi không có phân tích kỹ, so sánh cụ thể. Không có lý do gì thị trường tỉnh lẻ giá bất động sản lại đắt hơn ở trung tâm Hà Nội”, ông Toản lưu ý.
Dẫn chứng thêm, ông Toản cho hay, tại quận Cầu Giấy, Thanh Xuân (Hà Nội) với giá 100 triệu đồng/m2 có thể mua được đất rất hợp lý nhưng ở Hưng Yên có nơi phải mua đến mức giá trên 200 triệu đồng, thậm chí gần 300 triệu đồng/m2. Đây là mức giá rất ‘ảo’ và vô lý.
“Trong khi đó, Hưng Yên chỉ được hưởng lợi một phần hạ tầng giáp ranh với Hà Nội. Về lâu dài, tôi đánh giá không cao về tăng trưởng bất động sản, toàn bộ tỉnh chỉ có thể phát triển ở khu vực Văn Giang và một phần Văn Lâm. Hưng Yên cũng phải là nơi đầu tư bất động sản hấp dẫn bởi nếu ở thì quá xa Hà Nội; chỉ có thể phục vụ một nhóm đối tượng khách hàng có nhu cầu ở mà đang công tác ở quận Hoàn Kiếm, Gia Lâm; còn nếu công tác ở quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân… lại không phù hợp vì đi lại quá xa.
Hưng Yên cũng không có lý do nào để tăng giá bất động sản lớn như vậy. Nhà đầu tư mua thì dễ nhưng bán ra sẽ rất khó khăn khi giá đã cao, nguồn cung lớn và kén chọn đối tượng khách ở. Bất động sản muốn tăng giá, thanh khoản thì phải có người ở, nếu không kéo được người về ở mà chỉ là người đầu cơ mua với nhau thì rất khó cho việc thanh khoản; người đầu cơ chiếm đến 90%”, ông Toản đánh giá thêm.
Xét về những khu vực tiếp giáp Hà Nội có tiềm năng về đầu tư bất động sản, ông Toản đưa ra 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hòa Bình.
Trong đó, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh vẫn là những tỉnh có sức hút lớn, có thế mạnh phát triển khu công nghiệp. Còn Hòa Bình có sức hút về đầu tư mua bất động sản là căn nhà thứ hai khi có điều kiện khí hậu, môi trường, cảnh quan thu hút người Hà Nội.
Tỉnh Hưng Yên cũng vừa có văn bản về tình hình thị trường bất động sản Hưng Yên có dấu hiệu tăng ‘nóng’ bất thường. Trong đó nêu rõ giá trị bất động sản ở một số nơi tăng cao, nhất là các địa phương giáp ranh với Hà Nội như huyện Văn Giang, huyện Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào, các khu vực có các dự án đô thị lớn và các khu công nghiệp, dự án hạ tầng giao thông đang triển khai hoặc nằm trong quy hoạch. Điều này ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản tỉnh, việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng, mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Do đó, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các đơn vị cần được kiểm soát để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, đồng thời, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và việc thu hút đầu tư của tỉnh.
Minh Thư
Sau sốt đất, nhà đầu tư chỉ muốn cất tiền chờ đợi
Hai năm qua, thị trường bất động sản tăng giá đột biến gần như không có căn cứ và rất ‘ảo’. Tâm lý nhà đầu tư hiện đang e ngại, chỉ muốn cất giữ tiền xuất phát từ yếu tố lạm phát, tâm lý chờ đợi nghe ngóng…