Đăk Lắk: 'Cò đất' tự cắm mốc quy hoạch giả, tung tin đồn, giá đất tăng loạn
Một nhóm “cò đất” về vùng quê Krông Pắk (Đắk Lắk) tự ý cắm các mốc quy hoạch giả, tung thông tin nhiễu loạn về các dự án nhằm mục đích “thổi” giá đất để kiếm lợi, làm rối loạn thị trường bất động sản địa phương
Cơn “sốt đất” cùng nhiều thông tin “vỉa hè” về các dự án khiến giao dịch bất động sản tại Đắk Lắk trở nên nhộn nhịp. |
“Cò đất” tự vẽ quy hoạch
Ngày 13/4, ông Vương Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) xác nhận, UBND xã đã báo cáo lên cấp trên, đồng thời đề nghị lực lượng công an xác minh thông tin về một nhóm “cò đất” tự ý cắm biển quy hoạch giả và tung tin đồn không có thật về các dự án trên địa bàn xã Hòa An.
Ông Phúc cho biết, vào ngày 9/4, trên trục đường thôn 6B của xã Hòa An có một số đối tượng lạ đến cắm cọc sắt, gắn bảng có đánh số thứ tự và tung tin đồn về việc quy hoạch mở rộng đường giao thông, quy hoạch khu đô thị… Khi lực lượng của UBND xã Hòa An đến xác minh thì các đối tượng nhanh chóng lên xe ô tô (có dán thông tin của một công ty bất động sản) bỏ chạy.
Cũng theo ông Phúc, sau vụ việc, UBND xã Hòa An đã phát đi thông báo nói rõ, hiện nay xã chỉ có duy nhất quy hoạch điểm dân cư tại khu trung tâm xã, không có quy hoạch khác, cũng không có dự án mở rộng đường giao thông. Ngoài ra, UBND xã Hòa An cũng yêu cầu Ban tự quản của 18 thôn, buôn trên địa bàn đề cao cảnh giác, kịp thời báo cáo các vụ việc bất thường liên quan đến đất đai trên địa bàn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Trao đổi với PV, ông Phúc cho biết: “Vụ việc trên do các đối tượng môi giới đất thực hiện nhằm tung tin đồn không chính xác để thực hiện các giao dịch bất động sản nhằm kiếm lợi nhuận. Nếu không cảnh giác, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu”.
Các cọc sắt đánh dấu số thứ tự do “cò đất” cắm trên địa bàn xã Hòa An. |
Theo tìm hiểu của PV Infonet, thời gian gần đây, “cò đất” luôn tung tin đồn “vỉa hè” về các dự án trên địa bàn nhằm thực hiện các giao dịch bất động sản để kiếm lời.
Cụ thể, vào cuối tháng 12/2021, lực lượng chức năng khảo sát, lên kế hoạch về việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ngay sau đó, đã xuất hiện hàng loạt thông tin xuất hiện trên mạng xã hội, cho rằng Bệnh viện Trung ương sẽ được đặt tại xã Ea Tu, một xã vùng ven của TP Buôn Ma Thuột.
Chỉ trong thời gian ngắn xuất hiện tin đồn trên, giá đất tại xã Ea Tu tăng “chóng mặt”, khắp đường cụt, ngõ nhỏ đều treo biển bán đất với giá từ 200-300 triệu đồng/m (mỗi mét đất ở đây tính theo chiều ngang, không tính chiều sâu - PV).
“Trước đây, đất ở Ea Tu tầm 150 triệu/m. Sau khi có tin đồn xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên thì giá đất nhảy vọt lên, có nơi tăng thêm gần 200 triệu đồng/m so với giá cũ”, một người dân xã Ea Tu cho biết.
Ông Bùi Tá Danh, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tu xác nhận có rất nhiều thông tin “vỉa hè” về các dự án tại xã Ea Tu khiến giá đất thời gian gần đây tăng lên khoảng 10 - 15%.
Các cọc sắt đánh dấu số thứ tự do “cò đất” cắm trên địa bàn xã Hòa An. |
Mạnh tay dẹp loạn tin đồn “vỉa hè” về đất
Tương tự, tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), khi rộ lên thông tin Tập đoàn FLC sẽ đầu tư xây dựng sân golf, khu nghỉ dưỡng tại hồ Ea Nhái, giá đất nơi đây cũng nhảy vọt lên. Nhiều đám đất view đẹp, giáp với mặt hồ được hét giá khoảng 300 triệu đồng/m, đắt ngang ngửa so với đất tại TP Buôn Ma Thuột.
Ông Hứa Chấn Trí, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho biết, từ khi Tập đoàn FLC đặt vấn đề xây dựng sân golf, làm dự án tại hồ Ea Nhái, giá đất tại địa phương, đặc biệt là vùng xung quanh hồ đã được đẩy lên cao. “Hiện đất nông nghiệp quanh hồ có giá khoảng 1 tỉ đồng/sào, xa hơn thì khoảng 500-700 triệu đồng/sào. Đất thổ cư view hồ có giá khoảng 200-300 triệu/m ngang, đắt ngang ngửa đất thành phố”, ông Trí chia sẻ.
Còn tại xã Cư Suê, cùng huyện Cư M’gar, địa phương này được giới kinh doanh bất động sản “đồn thổi” sẽ sáp nhập vào TP Buôn Ma Thuột trong tương lai. Do đó, giá đất nơi đây cũng được đẩy lên rất cao.
Các cọc sắt được nhóm "cò đất" cắm và đánh dấu số thứ tự đã được UBND xã Hòa An đã nhổ và đề nghị công an xác minh để xử lý. |
Theo ông Nguyễn Công Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, qua các thông tin “vỉa hè” về các dự án, giá đất tại một số địa phương như Cư Suê, Cuôr Đăng đã tăng cao từ 30-60%, tùy từng vị trí.
Cũng theo ông Văn, giá đất tăng khiến người dân có nhu cầu thực sự về đất ở gặp bất lợi. Hơn thế, việc giá đất tăng theo kiểu “bong bóng” sẽ có nguy cơ kìm hãm việc thu hút đầu tư, gây bất lợi cho huyện vì chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất cao. “Hiện, huyện đã giao lực lượng công an vào cuộc, xử lý các cá nhân, tổ chức sử dụng các dự thảo để tung tin đồn, đẩy giá đất lên cao”, ông Văn thông tin.
Trước tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều thông tin “vỉa hè” về các dự án nhằm đẩy giá đất lên cao, đầu năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản, chỉ đạo các cấp tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao lực lượng công an rà soát, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với tổ chức môi giới, mua bán BĐS, cá nhân sử dụng file dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của các địa phương để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo bong bóng BĐS nhằm trục lợi bất hợp pháp, gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương và đời sống của người dân theo quy định của pháp luật.
Trần Nhân
Đắk Lắk: Sốt đất cả ao suối, xứ núi mà cầm nửa tỷ đi mua đất cũng... chịu
Không chỉ sốt đất gần ao hồ, sông suối mà tại TP Ma Thuột (Đắk Lắk) còn sốt cả đất ở vùng ven cách trung tâm ngã 6 hàng chục ki lô mét khiến nhiều người dân khó mua đất làm nhà.