Không phải tỷ phú giàu nhất, cặp vợ chồng cùng lọt Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt đang có bao nhiêu tài sản qua cổ phiếu?
Cặp vợ chồng cùng lọt Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Tuần qua HPG tăng giá 1,5% đã nâng giá trị tài sản do vợ chồng tỷ phú Chủ tịch Hòa Phát nắm giữ thông qua cổ phiếu tiến sát 70.000 tỷ
Đóng cửa tuần đầu tiên của tháng Tư, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 2,77% lên 81.700 đồng/cp sau 3 phiên giảm giá liên tiếp trước đó.
Cổ phiếu VIC tăng giá trở lại trong phiên cuối tuần qua sau khi Tập đoàn Vingroup công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2021 lãi 367 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của VIC chuyển từ 3.897 tỷ đồng lên thành 4.718 tỷ đồng sau khi điều chỉnh, vốn chủ sở hữu tăng từ 159.147 tỷ đồng lên 159.572 tỷ đồng.
Với mức giá đóng cửa tuần của VIC, giá trị tài sản là cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng và vợ, bà Phạm Thu Hương giảm gần 1 nghìn tỷ đồng trong tuần qua. Hiện tại, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tại VIC là 176.138 tỷ đồng, đứng vững vị trị số 1 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, bà Phạm Thu Hương đã không còn thuộc Top 10 mà nắm vị trí thứ 12.
Như vậy, Top 10 chỉ còn một cặp vợ chồng là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (vị trí thứ hai) và vợ là bà Vũ Thị Hiền (vị trí thứ 9).
HPG tăng giá 1,5% vào tuần qua khi đóng cửa tuần ở mức giá 46.400 đồng. Theo đó, giá trị cổ phiếu do Chủ tịch Trần Đình Long nắm giữ “tăng nhẹ” hơn 800 tỷ đồng lên 54.120 tỷ đồng; bà Vũ Thị Hiền cũng tích lũy thêm hơn 200 tỷ đồng để nâng giá trị tài sản của mình lên 15.200 tỷ đồng.
Điểm tích cực đối với Hòa Phát là trong tháng 3 vừa qua, Tập đoàn đạt sản lượng sản xuất thép thô 762.000 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép là 832.000 tấn. Trong đó, thép xây dựng lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận 511.000 tấn, cao hơn 7% so với mức đỉnh của năm 2021.
Người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán, sau ông Vượng và ông Long, là ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine, Phó TGĐ KienLongBank.
Dù đánh mất 150 tỷ đồng từ việc nhóm cổ phiếu SSH, SCG, và KLB cùng giảm giá trong tuần trước kỳ nghỉ lễ, nhưng chỉ với việc cổ phiếu KSF của CTCP Tập đoàn KSFinance tăng 2,7% lên 110.000 đồng/cp, tổng tài sản của ông Đỗ Anh Tuấn vẫn tăng hơn 300 tỷ đồng trong tuần qua, đạt 43.600 tỷ đồng.
Với bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang, hai ông đang lần lượt nắm giữ vị trí thứ 4 và thứ 5, dù giá cổ phiếu TCB có giảm 2,9% trong tuần qua nhưng nhờ MSN tăng 1,3% nên cả hai đều có mức tăng về tài sản.
Theo đó, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có thêm 450 tỷ đồng, nâng giá trị tài sản lên 39.150 tỷ đồng. Tương tự, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang có thêm 500 tỷ đồng để nâng giá trị tài sản của mình lên 38.400 tỷ đồng.
Đứng sau hai vị tỷ phú này là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet, vị trí thứ 6). Việc cổ phiếu VJC trải qua 3 phiên giảm giá liên tiếp, cùng với đó là HDB cũng mất 4% thị giá, đã khiến tổng giá trị tài sản của Madam Thảo giảm 700 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch. Hiện giá trị tài sản của bà tại VJC và HDB là 35.455 tỷ đồng.
Trong khi đó, người đứng vị trí thứ 7, nhà sáng lập Novaland Bùi Thành Nhơn có thêm gần 800 tỷ đồng, lên 23.500 tỷ đồng sau khi NVL tăng 3,4%.
Đại gia bất động sản Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty BĐS Phát Đạt, vẫn tại vị ở vị trí thứ 8 dù tài sản giảm hpn 400 tỷ đồng, còn 22.175 tỷ đồng.
Người còn lại trong Top 10 là ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch LienVietPostBank (cổ đông lớn của Thaiholdings). Vị trí thứ 10 của ông Thụy đang bị lung lay sau khi LPB và THD cùng giảm giá mạnh khiến giá trị tài sản của ông Thụy giảm gần 800 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc cổ phiếu THD mất 5% về thị giá, khiến ông Thụy đánh mất 720 tỷ đồng. Hiện giá trị tài sản của doanh nhân quê Ninh Bình còn 14.400 tỷ đồng.
Hiền Anh