Giá vàng tăng phi mã, lợi nhuận của SJC, PNJ và DOJI ra sao?
Năm 2020, giá vàng tăng cao đột biến đem lại cho các "ông lớn" kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc đá quý như SJC, PNJ, DOJI lợi nhuận ra sao?
Năm 2020, giá vàng trong nước tăng gần 20 triệu đồng/lượng. |
Năm 2020, thị trường vàng thế giới xác lập kỷ lục vào tháng 8 với mức 2.063 USD/ounce, trong khi trước đó chỉ 5 tháng, hồi tháng 3/2020, giá vàng vẫn ở đáy thấp nhất là 1.451 USD/ounce.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân năm 2020, giá vàng trong nước tăng 28,05% so với năm 2019.
Đầu năm 2020, giá vàng chỉ ở mức 42,8 triệu đồng/lượng nhưng đến đầu tháng 8 đã tăng lên hơn 62 triệu đồng/lượng, tăng hơn 19 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 44%. Đây là mức giá cao nhất mọi thời đại của vàng.
“Đại gia” vàng miếng SJC doanh thu cao, lợi nhuận chỉ phân lẻ
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020 sau kiểm toán. Theo đó, doanh thu thuần năm 2020 của SJC đạt 23.233 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm trước đó. Doanh thu của SJC vượt mức 1 tỷ USD quy đổi. Lợi nhuận gộp đạt 259 tỷ đồng, tăng 38%.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của SJC đạt gần 56 tỷ đồng, tăng 6%. Biên lợi nhuận ròng chỉ vỏn vẹn 0,24%.
Trước đó, vào đầu năm 2020, SJC đặt mục tiêu tổng doanh thu 25.700 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch là 70 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, SJC chưa hoàn thành.
Năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu thuần 20.871 tỷ đồng và thu về lợi nhuận gộp 150,7 tỷ, tương ứng với biên lợi nhuận gộp chỉ 0,72%. Do không còn được hoàn nhập chi phí tài chính nên lợi nhuận của doanh nghiệp còn 28 tỷ đồng, thấp nhất từ 2012 đến nay.
Còn năm 2019, doanh thu của SJC gần chạm mức 1 tỷ USD, đạt 23.127 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận ròng vỏn vẹn chỉ đạt 52 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ 0,22%.
Việc tập trung vào kinh doanh vàng miếng khiến SJC dù doanh thu đạt mức tỷ USD, nhưng biên lợi nhuận cực nhỏ.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của SJC là 1.649 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là hàng tồn kho (1.098 tỷ đồng) và tiền tương đương tiền (222 tỷ đồng).
Lãi của PNJ vượt mốc 1.000 tỉ đồng
Trái ngược với “đại gia” vàng miếng SJC, tuy CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp tư nhân, nhưng nhìn vào con số lợi nhuận của PNJ so với “đại gia” SJC mới thấy đúng là “một trời, một vực”.
Năm 2020, doanh thu của PNJ đạt 17.511 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.349 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 1.069 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong năm 2020 đạt 19,4%, biên lợi nhuận ròng đạt 6%.
Mới đây nhất, PNJ đã công bố BCTC quý 1/2021 với doanh thu thuần tăng 44% lên 7.182 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp thu về 1.325 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 1/2020.
Quý 1/2021, lãi sau thuế của PNJ đạt gần 513 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi lớn nhất theo quý của doanh nghiệp.
Theo lý giải của PNJ, lợi nhuận trong quý 1/2021tăng mạnh đến từ các dịp lễ Tình nhân 14/2, ngày vía Thần tài và ngày 8/3.
Trước đó, năm 2019, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 17.001 tỉ đồng, tăng trưởng 16,7% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 1.191 tỉ đồng, tăng trưởng 24%. Đây là lần đầu tiên, lãi sau thuế của PNJ vượt mốc 1.000 tỉ đồng.
PNJ được thành lập năm 1988, so với 2 doanh nghiệp là DOJI và SJC thì PNJ có lợi nhuận "khủng" nhất. Doanh thu và lợi nhuận của PNJ liên tục tăng trưởng qua các năm.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế của PNJ giai đoạn 2016 - 2019 lên tới 27,6%.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PNJ cũng ở mức "khủng" so với DOJI, SJC khi luôn ở trong khoảng gần 25 - 26% giai đoạn 2017 - 2019.
Xét về số lượng cửa hàng trang sức thì PNJ đang xếp thứ 1 với 294 cửa hàng trên khắp cả nước.
DOJI lãi đậm nhờ giá vàng tăng?
Theo công bố về tình hình tài chính năm 2020 của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, năm 2020, DOJI đạt gần 188 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng 24% so với năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp là 5,3%.
6 tháng đầu năm 2020, DOJI báo lãi hơn 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 6 tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã lãi hơn 142 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020.
Vào nửa cuối năm 2020, DOJI lãi đậm là nhờ giá vàng tăng cao kỷ lục, đỉnh điểm nhất là vào tháng 8/2020, giá vàng trong nước tăng gần 20 triệu đồng/lượng.
Còn năm 2019, doanh thu của DOJI đạt 88.920 tỷ đồng, tuy nhiên lãi sau thuế chỉ ở mức 150 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng là 0,17%.
Tính đến hết năm 2020, vốn chủ sở hữu của DOJI là 3.515 tỷ đồng. Tổng tài sản của DOJI tính đến ngày 31/12/2020 khoảng 9.069 tỷ đồng.
Thành lập năm 1994, CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quí DOJI của ông Đỗ Minh Phú có ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức.
Ngoài ra, tập đoàn còn mở rộng đầu tư bất động sản, du lịch, lấn sân sang lĩnh vực tài chính ngân hàng và tái cơ cấu thành công Ngân hàng TMCP TPBank.
DOJI hiện có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trên cả nước cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán.
Hải Yến
Ai đang điều tiết giá vàng trong nước?
Việc giá vàng thế giới xuống sẽ tác động đến giá vàng trong nước nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là doanh nghiệp "độc quyền" không thể để giá xuống quá thấp so với mức giá đảm bảo có lợi nhuận...