Chênh thế giới cả chục triệu đồng, vì sao người Việt vẫn ‘ôm’ nhiều vàng?
Giá vàng trong nước tăng cao, chênh giá thế giới cả chục triệu đồng tuy nhiên nhu cầu mua vàng tại Việt Nam vẫn không giảm, ngược lại ngày càng tăng. Vì sao vậy?
Giá vàng Việt Nam chênh thế giới cả chục triệu đồng, vì sao dân vẫn đổ xô ‘ôm’ vàng? (ảnh minh hoạ). |
Từ đầu năm đến nay, thị trường vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường vàng thế giới có sự sụt giảm mạnh. Vào đầu tháng 3, giá vàng thế giới sau khi “đạt đỉnh” 2050 USD/ounce thì quay đầu giảm, có nhiều thời điểm giá vàng về dưới ngưỡng 1.790 USD/ounce. Tính đến phiên giao dịch cuối tháng 6, giá vàng thế giới giao dịch quanh mốc 1.820 USD/ounce, gần như đi ngang so với hồi đầu năm 2022.
Ở trong nước, giá vàng SJC sau khi đạt đỉnh 73 triệu đồng/lượng vào tháng 3 thì có xu hướng đi ngang, dao động quanh mức từ 68-70 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, 17 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên 19 triệu đồng/lượng.
Một điều đáng chú ý là trong khi giá vàng thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 sụt giảm khoảng 1% thì giá vàng SJC Việt Nam lại lội ngược dòng, tăng xấp xỉ 9%.
Đầu năm 2022, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 60 – 61 triệu đồng/lượng; đến cuối tháng 6, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 67 – 68 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với đầu năm, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 6-7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn 99,99 cùng thương hiệu chỉ tăng thêm 1,2 triệu đồng mỗi lượng.
Báo cáo về xu hướng nhu cầu tiêu dùng vàng trong quý 1 và 2/2022, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, trong quý 1/2022 so sánh trong khối ASEAN, thì người Thái Lan chỉ mua hơn 2 tấn vàng, giảm 74%, người Indonesia cũng chỉ mua 5 tấn vàng, giảm 10% so với cùng kỳ, người Malaysia cũng chỉ mua chưa đầy 2 tấn vàng, trong khi người Việt đã mua gần 19,6 tấn vàng, bằng 1/2 lượng vàng tiêu thụ của cả năm trước.
Quý 2/2022, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam tiếp tục tăng từ 12,6 tấn trong quý 2/2021 lên 14 tấn trong quý 2/2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý 2/2021 lên 9,6 tấn trong quý 2/2022; nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý 2/2021 lên 4,5 tấn trong quý 2/2022.
Như vậy, mặc dù thị trường vàng có nhiều biến động trong nửa đầu năm 2022, nhất là thị trường vàng trong nước hiện nay vẫn “một mình một chợ”, diễn biến khó lường, với mức giá chênh lệch giữa vàng SJC trong nước và vàng thế giới quá lớn, từ 17-18 triệu đồng/lượng nhưng nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam vẫn lớn.
Theo đại diện của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, tập quán tích trữ vàng của người Việt có từ lâu. Mua vàng ngoài mục đích là của để dành thì nó còn là kênh đầu tư sinh lời, nhất là trong bối cảnh dự báo về lạm phát cao thì vàng là kênh trú ẩn an toàn nhất.
Từ đầu năm đến nay, khi thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường, thiếu ổn định, còn thị trường bất động sản bị đẩy giá lên cao khiến những người có tiền quay về vàng để tích trữ.
Nghiên cứu của WGC thực hiện tại Việt Nam cho thấy, 79% người Việt Nam tin rằng vàng là biện pháp phòng hộ tốt nhất trước lạm phát và biến động tiền tệ. Con số 81% người dùng đang cân nhắc mua vàng là minh chứng cho sức mua mạnh mẽ của thị trường Việt Nam.
Hải Yến
Bất ngờ giảm 5 triệu đồng/lượng, chuyện gì đang xảy ra với vàng SJC?
Chỉ trong ngày hôm qua (18/7), giá vàng SJC đột ngột giảm mạnh 5 triệu đồng mỗi lượng khiến nhiều nhà đầu tư khá bất ngờ và dường như không kịp trở tay. Chuyện gì đang xảy ra đối với vàng SJC?