Bồi thường từ bảo hiểm xe máy: 'Chờ được vạ thì má cũng sưng'!
Trên lý thuyết, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc dành cho chủ xe mô tô đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia giao thông. Nhưng nhiều người nói, việc bồi thường từ bảo hiểm xe máy chả khác gì “chờ được vạ thì má cũng sưng”.
Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định về mức trách nhiệm thiệt hại tài sản lên đến 50 triệu một vụ và mức trách nhiệm về người là 100 triệu đồng một người một vụ. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của chủ xe.
Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng trên thực tế, quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc dành cho chủ xe mô tô, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm thì còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Theo khảo sát của hàng loạt diễn đàn có hàng vạn thành viên tham gia trên mạng xã hội, nhiều người cho biết họ chưa từng ghi nhận một trường hợp chủ phương tiện được bảo hiểm bồi thường sau tai nạn, cho dù bảo hiểm trách nhiệm dân sự là quy định bắt buộc đã có từ lâu.
Trên diễn đàn Oto+, thành viên Huỳnh Quốc Linh cho rằng bảo hiểm TNDS chỉ có tác dụng về mặt lý thuyết, còn thực tế không ai lấy được tiền từ bảo hiểm, tuy nhiên, nếu không có sẽ bị CSGT xử phạt. Thành viên Toan Tran chia sẻ kinh nghiệm bản thân đã từng bị tai nạn nhưng không phát huy hiệu quả. Thành viên này bày tỏ quan điểm: “Đã là bảo hiểm thì nên để người dân tự nguyện, thay vì bắt buộc”.
Với cùng chủ đề trên, nhiều thành viên cho rằng việc bắt người dân phải mang theo quá nhiều giấy tờ là không phù hợp với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay. Một số người tỏ ra hài hước khi cho rằng nên bắt buộc người tham gia giao thông mang theo sổ hộ khẩu và giấy khai sinh.
Bảo hiểm Bảo Việt tận dụng thời cơ chào bán bảo hiểm TNDS xe cơ giới ngay trước cửa trụ sở chính của Tập đoàn trên phố Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Theo khảo sát của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) về quan điểm của người dân về bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với xe cơ giới, trong số 1.922 người trả lời khảo sát, kết quả thật bất ngờ khi có tới 53,64% cho rằng bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với xe cơ giới là “rất cần thiết”, 10,41% cho rằng “cần thiết”, và 35,95% cho rằng “không cần thiết”.
Cũng theo IAV, năm 2019 các công ty bảo hiểm đã chi trả bảo hiểm khoảng 44 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 50% là bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, con số chi trả cho bảo hiểm mô tô, xe máy lại không được công bố.
Theo đại diện Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới (Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam), trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm, quỹ sẽ hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/1 người.
Tuy nhiên, tâm lý “chờ được vạ thì má cũng sưng” khiến người dân chỉ coi bảo hiểm TNDS đối với xe máy chỉ là tờ giấy để tránh bị CSGT xử phạt nếu chẳng may bị kiểm tra.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các chuyên đề xử phạt "ma men" đang được thực hiện rất có hiệu quả, tuy nhiên việc có thêm chuyên đề "tổng kiểm tra" các phương tiện tham gia giao thông, mà không cần phát hiện lỗi vi phạm chưa cho thấy rõ mục tiêu cụ thể, trong khi các công ty bảo hiểm là người được hưởng lợi.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại điểm a, khoản 2, điều 21, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng.
Tuy nhiên, chỉ đến khi lực lượng CSGT đồng loạt ra quân từ ngày 15/5 đến 14/6 tổng kiểm soát xử lý vi phạm, trong đó kiểm tra đủ 4 loại giấy tờ đối với người đi xe máy (đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và giấy tờ tuỳ thân) thì tờ giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự mới được người dân quan tâm, lo lắng vì chưa kịp trang bị.
Theo ghi nhận của PV, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới phổ biến trên thị trường hiện nay như Bảo Việt, PVI, PJico, PTI, MIC, BIC,… đang ra sức đẩy mạnh bán sản phẩm nhằm tận dụng cơ hội này.
Bên cạnh “đội quân” bán bảo hiểm xe máy là các đại lý vốn được bố trí tại các cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, trong hai ngày cuối tuần vừa qua Bảo hiểm Bảo Việt còn "tranh thủ" đặt một quầy bán sản phẩm ngay trước cửa trụ sở chính trên phố Lê Thái Tổ, nhằm thu hút khách hàng trên phố đi bộ và được nhiều người quan tâm.
Mức phí bảo hiểm hiện nay là 60.000 đồng (chưa VAT) đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, 20.000 đồng đối với bảo hiểm dành cho người ngồi trên xe.
Người dân nháo nhào đi mua bảo hiểm cho xe máy. |
Theo quy định, bảo hiểm xe máy bắt buộc được áp dụng đối với chủ xe cơ giới, phạm vi bảo hiểm gồm: Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra; Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.
Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 100.000.000 đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50.000.000 đồng/1 vụ tai nạn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường đối với các trường hợp như: Chủ phương tiện cố ý gây thiệt hại, tai nạn của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại; Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện Trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe; Lái xe không có GPLX hợp lệ, hoặc GPLX không phù hợp với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX; Thiệt hại gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; Thiệt hại với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong vụ tai nạn; Chiến tranh, khủng bổ, động đất;…
Để được bồi thường, khách hàng cần phải trải qua một loạt các thủ tục mới có thể hoàn tất một bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường với "hàng tá" loại giấy tờ như: Tờ khai thông báo tai nạn (theo mẫu); Bản sao giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm, CMND; Tài liệu chứng minh thiệt hại về người tùy theo mức độ thiệt hại; Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản...
Hiền Anh