Agribank chi gần 2.000 tỷ cho hội nghị, lễ tân, khánh tiết trong 1 năm, các ngân hàng trong nhóm Big4 còn lại thì sao?
Cùng là những ngân hàng quốc doanh, xét về tổng thể hiệu quả hoạt động dựa trên chỉ số CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) có sự chênh lệch đáng kể giữa 4 ngân hàng.
Ngân hàng Agribank mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020. Báo cáo cho thấy, Agribank vẫn là ngân hàng có tổng thu nhập hoạt động cao nhất hệ thống TCTD năm 2020, đạt hơn 58.000 tỷ đồng. Với mạng lưới đồ sộ trải dài cả nước từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, Agribank cũng là ngân hàng có chi phí hoạt động lớn nhất trong các ngân hàng Việt, hơn 26.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 6% so với năm 2019.
Trong các khoản chi phí hoạt động, chi phí hoạt động quản lý công vụ của Agribank năm vừa qua ở mức hơn 4.700 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với năm 2019.
Đáng chú ý, khoản chi lớn nhất là chi hội nghị, lễ tân, khánh tiết tới 1.965 tỷ đồng. Ngoài ra, chi cho vật liệu văn phòng, xăng dầu hơn 1.358 tỷ; chi xuất bản tài liệu, tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại 717 tỷ đồng. Công tác phí của Agribank năm 2020 là 233 tỷ, chi các hoạt động đoàn thể hơn 129 tỷ.
Báo cáo tài chính kiểm toán của các "ông lớn" khác như Vietcombank, VietinBank, BIDV không thuyết minh cụ thể về các khoản chi cho hội nghị, khánh tiết hay in ấn tài liệu,… Tuy nhiên, chi phí hoạt động công vụ nói chung cũng hé lộ nhiều điểm thú vị.
Năm 2020, VietinBank chi gần 3.200 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ, tăng 8% so với năm 2019. Trong đó, chi cho công tác phí chỉ 137 tỷ đồng, giảm 33 tỷ so với năm trước; ngoài ra, chi cho các hoạt động đoàn thể giảm hơn một nửa xuống 15 tỷ đồng; chi khác cho hoạt động quản lý lại tăng 10,7% lên hơn 3.000 tỷ đồng.
Tại BIDV, ngân hàng chi hơn 3.500 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ năm vừa qua, giảm nhẹ khoảng 40 tỷ so với năm 2019. Trong đó, công tác phí và chi hoạt động đoàn thể lần lượt là 156 tỷ và 22,7 tỷ, đều giảm so với năm trước.
Vietcombank là ngân hàng có mạng lưới nhỏ nhất trong 3 ngân hàng (trừ Agribank) nhưng lại có chi phí quản lý công vụ cao nhất, với hơn 3.600 tỷ đồng năm 2020, tăng 88 tỷ so với năm 2019. Chi phí công vụ của Vietcombank đang chiếm hơn 22% trong tổng chi phí hoạt động của ngân hàng, trong khi 3 ngân hàng còn lại chỉ khoảng 18-20%.
Cùng là những ngân hàng quốc doanh, xét về tổng thể hiệu quả hoạt động dựa trên chỉ số CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) có sự chênh lệch đáng kể giữa 4 ngân hàng.
Agribank đang có tỷ lệ CIR ở mức cao hơn hẳn so với 3 ngân hàng còn lại, lên tới 45% trong năm 2020, thậm chí tăng so với mức 41,6% năm 2019. Điều này cũng dễ hiểu khi Agribank thực hiện nhiệm vụ riêng biệt do Nhà nước giao phó, tập trung cung ứng vốn cho các đối tượng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Agribank trở thành ngân hàng có mạng lưới đồ sộ nhất, thậm chí nhiều phòng giao dịch, chi nhánh tại vùng sâu vùng xa dù có bị lỗ vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động. Bởi vậy, việc tối ưu hóa chi phí hoạt động với Agribank trở nên khó khăn hơn bất kỳ ngân hàng nào.
Theo đó, dù luôn là ngân hàng có doanh thu cao nhất, Agribank chưa bao giờ là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua.
Đơn vị: tỷ đồng |
Trong khi đó, các ngân hàng khác ngày càng xem trọng hơn việc kiểm soát các chi phí hoạt động thông qua việc nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ để giảm chi phí vận hành. Kết quả là CIR của nhiều ngân hàng có sự cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Tại Vietcombank, tỷ lệ CIR năm 2020 chỉ còn 32,7%, giảm so với 34,7% năm 2019. Hay VietinBank cũng giảm mạnh từ 38,8% xuống 35,5%; BIDV giảm nhẹ từ 35,9% xuống 35,4%.
Lợi nhuận giảm, Agribank vẫn chi gần 2000 tỷ cho hội nghị, lễ tân, khánh tiết
Agribank vừa chính thức công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất năm 2020, theo đó, lợi nhuận giảm, thu nhập nhân viên tăng chút ít. Đặc biệt Agribank vẫn chi tới gần 2000 tỷ đồng cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết
Theo CafeF