Những ai mua được cổ phiếu ưu đãi giá rẻ của Techcombank?
Ngân hàng TMCP Techcombank vừa công bố kết quả phân phối hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên trong ngân hàng với giá 10.000 đồng/cp, bằng 1/5 so với giá thị trường hiện tại.
Ảnh minh họa |
Theo đó, 100% tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành theo chương trình ESOP (6.008.568 cổ phiếu) đã được Techcombank phân phối hết vào ngày 15/9/2021 với mức giá 10.000 đồng/cp. Có 238 người được phân phối cổ phiếu ESOP trong lần này.
Số cổ phiếu này sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều kiện hạn chế khác nêu tại quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Đáng chú ý, rất khó để quyền mua cổ phiếu ESOP đến được tay nhân viên, thậm chí lãnh đạo cỡ vừa. Một số lãnh đạo cấp cao của ngân hàng đã mua vào phần lớn lượng cổ phiếu ESOP do Techcombank phát hành. Chẳng hạn, ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đã mua vào hơn 2,3 triệu cổ phiếu; ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực mua 1,4 triệu cổ phiếu; ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị mua gần 1,5 triệu cổ phiếu,…
Như vậy, chỉ riêng 3 sếp lớn nói trên đã “ôm” gần trọn lượng cổ phiếu phát hành với tổng số cổ phiếu đã mua lên đến 5,2 triệu cổ phiếu.
Sau khi phát hành thành công, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Techcombank cũng được điều chỉnh từ 22,4908% xuống 22,4724%.
Với mức giá phát hành bằng với mệnh giá, những người may mắn mua được cổ phiếu ESOP đợt này đã ngay lập tức có được một khoản lời (trên giấy tờ) bởi giá cổ phiếu TCB sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 22/9 là 50.500 đồng/cp.
Techcombank hiện có vốn điều lệ 35 nghìn tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Masan là cổ đông tổ chức lớn nhất sau khi nắm giữ 15% lượng cổ phần của ngân hàng này. Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh hiện chỉ nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu (1,1%), tương ứng giá trị 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vợ, mẹ và con trai ông Hùng Anh hiện nắm giữ lượng cổ phiếu TCB với tổng trị giá lên tới 24 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hồ Hùng Anh cũng gián tiếp sở hữu thông qua Masan Group, nơi cá nhân ông Hùng Anh đang sở hữu lượng cổ phiếu MSN trị giá tới 37.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, những người được nhận cổ phiếu ESOP sẽ là những lao động làm lâu năm, có đóng góp trong sự phát triển của công ty. Thông thường tiêu chuẩn này nằm trong Điều lệ hoặc các quy chế ban hành của công ty.
Cổ phiếu ESOP được phát hành ưu đãi dành cho cán bộ nhân viên của công ty, vậy nên đây được coi là hình thức nhằm khích lệ, tạo động lực làm việc cho những người nhận ESOP.
Việc được nhận cổ phiếu ESOP với mức giá hấp dẫn, công ty làm ăn phát triển, giá cổ phiếu trên thị trường tăng cao sẽ làm tăng động lực cống hiến của nhân viên công ty. Trách nhiệm của nhân viên công ty đồng thời tăng lên khi nắm giữ cổ phiếu và được coi là những cổ đông của doanh nghiệp.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ giúp các doanh nghiệp có thể giữ chân được nhân sự tốt và nâng cao trách nhiệm của nhân viên khi đang là cổ đông của công ty.
Ngoài ra, doanh nghiệp khi phát hành ESOP sẽ không phải chi thưởng bằng tiền mặt mà sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để phát hành. Điều này giúp cho doanh nghiệp có thể giữ lại nguồn tiền mặt đáng kể để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, số lượng cổ phần tăng lên giúp doanh nghiệp gia tăng vốn điều lệ.
Ngân Giang
Techcombank và Vietnam Airlines, từ đối tác chiến lược đến lạnh lùng đường ai nấy đi
Từng là đối tác chiến lược toàn diện lâu năm, nhưng Techcombank và Vietnam Airlines đã dứt khoát đường ai nấy đi đầy lạnh lùng. Trong số các ngân hàng dang tay với VNA trong lúc khó khăn không có tên Techcombank