Bí quyết 'dắt túi' của chị em nội trợ, không cần ra chợ vẫn luôn có thực phẩm tươi mỗi ngày
“Dắt túi” số điện thoại của các tiểu thương ở chợ gần nhà, nhắn tin đặt hàng rồi chuyển khoản hay cắt cử nhau đi chợ... là cách chị em nội trợ giúp nhau sắm đồ tươi mỗi ngày trong mùa dịch.
Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách, chị Bích Hằng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ đi chợ mua thực phẩm đúng một lần, kể từ lần đó ngày nào nhà gia đình chị cũng có thực phẩm tươi mỗi bữa mà không cần đến chợ.
Theo chia sẻ, chị Hằng thường mua thịt, cá, ngan gà, rau củ, hoa quả... của một hàng và trở thành khách quen, điện thoại luôn lưu sẵn số của người bán hàng. Vì thế, ngay khi Hà Nội thực hiện giãn cách, các phường phát phiếu đi chợ theo giờ, theo ngày, nhưng chị Hằng chỉ đi duy nhất một lần để dặn những người bán hàng mà mình quen về việc tin nhắn hoặc gọi điện để đặt hàng và chị Hằng chỉ việc chuyển khoản.
Dịch bệnh, giãn cách xã hội, chị em bảo nhau 'bỏ túi' nhiều bí quyết để chuẩn bị thực phẩm cho cả gia đình. (Ảnh: Minh Thư) |
Thân quen với chị bán rau ở chợ nên chị Hằng đã nhờ chị này nhận mang hàng chị đặt đến tận nhà. Vì thế, sau mỗi buổi sáng hết khung giờ đi chợ, chị bán rau sẽ chuyển tất cả thực phẩm đến tận nhà và chị Hằng sẽ gửi thêm phí ship.
“Ở nhà giãn cách, nhưng vợ chồng tôi vẫn phải làm việc online thường xuyên, để tiết kiệm thời gian tôi thường lên thực đơn cho gia đình cả tuần. Cứ mỗi tối sẽ nhắn tin đặt mua gà hoặc thịt bò, cá, rau... đủ ăn cho các bữa trong ngày. Như thế vừa đỡ phải đi chợ tiếp xúc đông người, lại yên tâm ở nhà vừa làm việc vừa tránh dịch an toàn mà cả nhà vẫn có thực phẩm tươi đổi bữa mỗi ngày”, chị Hằng chia sẻ.
Một cách đi chợ khác đang được một số chị em ở chung cư áp dụng, đó là cắt cử nhau đi chợ và mua hộ để giảm số lần đi chợ trong tuần mà vẫn có đồ tươi.
Chị Thanh Mai, một cư dân khu chung cư ở Đại Từ, Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, tầng nhà chị có 4 gia đình chơi thân với nhau nên các chị em rủ cắt cử nhau đi chợ. Theo đó, mỗi người sẽ chỉ phải đi chợ 1 lần trong tuần, 4 chị em thay phiên nhau đi và sẽ mua đồ cho tất cả bốn gia đình.
“Mỗi người sẽ lên danh sách số lượng thực phẩm cần mua từ tối hôm trước, đến phiên ai người đó sẽ đi chợ theo khung giờ quy định vào sáng sớm hôm sau. Phiên ai người đó tự ứng tiền đi chợ, hết bao nhiêu sẽ nhắn tin cho nhau và chuyển khoản sau. Nhờ cách này, chúng tôi vừa hạn chế số lần đi chợ mà vẫn luôn có thực phẩm cho cả tuần”, chị Mai nói.
Ngoài ra, nhiều chị em nội trợ còn chia sẻ nhau cách lên thực đơn để những ngày đi chợ sẽ được ăn những món tươi, còn lại 3 ngày không cần đi chợ thì sẽ chuẩn bị từ những thực phẩm đã mua như xương hoặc sườn ninh sẵn và cất vào tủ lạnh nấu canh dần. Hoặc thịt băm sẽ tẩm ướp gia vị, làm thành mọc rồi cấp đông để dùng chế biến nấu đồ ăn sáng hoặc đổi bữa nấu bún mọc, chế biến kho cùng đậu phụ....
Một số chị em ở chung cư thường không quá lo lắng trong việc chuẩn bị thực phẩm cho gia đình khi ở khu vực sinh sống luôn có các nhóm chợ online hoạt động liên tục. Chỉ cần ngồi nhà, lướt mạng, đặt hàng; nhắn tin số phòng thì sẽ có người giao tận cửa. Người bán sẽ đặt thực phẩm trước cửa rồi nhấn chuông, người mua sẽ nhận hàng và chuyển khoản; rất tiện lợi và nhanh chóng, tránh được việc tiếp xúc trong mùa dịch.
Với những bí quyết này của các bà nội chợ, chị em có thể học hỏi để vừa có thể ở nhà thực hiện quy định phòng chống dịch, vừa hạn chế tiếp xúc bên ngoài mà gia đình vẫn có thực phẩm đủ đầy cho các bữa ăn.
Minh Thư
Ở nhà tránh dịch, chị em túc tắc kiếm vài triệu/tháng nhờ công việc này
Chị em bỉm sữa, cô giáo mầm non hay những người đang tạm ngừng kinh doanh buôn bán do dịch bệnh lại có thể kiếm thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng nhờ công việc không gò bó thời gian, đó là làm tranh đính đá.