Thí sinh có nên thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2017?
Thí sinh phải nghiên cứu kỹ nhiều nguồn thông tin trước khi đi đến quyết định điều chỉnh nguyện vọng. |
Đã đăng ký xét tuyển ba nguyện vọng vào Trường Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau khi biết điểm thi và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa công bố, Vũ Mạnh Hùng, học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú quyết định sẽ điều chỉnh nguyện vọng vào ngày 15/7 tới.
Thí sinh Vũ Mạnh Hùng cho hay: “Trong đợt thay đổi nguyện vọng sắp tới, em có dự định tăng thêm một nguyện vọng. Lý do là em muốn chắc chắn không bị trượt đại học”.
Tương tự, đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới, Nguyễn Hữu Kỳ Duyên, học sinh Trường Trung học phổ thông Thạnh Lộc cũng sẽ bổ sung thêm nguyện vọng xét tuyển để gia tăng cơ hội vào đại học. Đợt đăng ký xét tuyển vừa qua, Duyên chọn ba nguyện vọng. Trong đó, nguyện vọng đầu tiên là ngành Văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do thi Trung học phổ thông Quốc gia chỉ đạt 20 điểm trong khi mức điểm trúng tuyển của ngành này năm ngoái là 22,5 điểm. Vì vậy, thí sinh này quyết định bổ sung thêm nguyện vọng thứ tư là ngành Văn học ứng dụng của Trường Đại học Văn Lang.
Nguyễn Hữu Kỳ Duyên nói: “Mối lo hiện tại của em là điểm thi không đủ để đầu vào trường mình thích. Do đó, em chọn cách thay đổi ngành yêu thích ở một trường đại học khác có mức xét tuyển thích hợp hơn”.
Rất nhiều thí sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi biết điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã quyết định sẽ điều chỉnh hoặc bổ sung thêm nguyện vọng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, thí sinh nên tự cân nhắc mức độ cần thiết của việc điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh chỉ nên điều chỉnh khi những nguyện vọng đăng ký xét tuyển trước kia không còn phù hợp với điểm thi đạt được hoặc bổ sung thêm nguyện vọng trong điều kiện thật sự cần. Tránh trường hợp thay đổi theo số đông vì sẽ ảnh hưởng đến ngành học, trường học sau này.
Tiến sĩ Trần Đình Lý nói: “Việc điều chỉnh nguyện vọng phải có cơ sở chứ không nên cứ thấy mọi người điều chỉnh, mình cũng điều chỉnh. Quyết định điều chỉnh nguyện vọng phải căn cứ vào năng lực, sở trường của bản thân với nhóm ngành đăng ký xét tuyển. Khi điều chỉnh theo quy chế, thí sinh cần có sự cân nhắc”.
Một điều chỉnh không hợp lý, rất có thể các em đã tự đánh mất đi cơ hội được vào ngành học, trường đại học mình yêu thích. |
Với ngưỡng đảm bảo đầu vào là 15,5 điểm cho tất cả các khối ngành đại học, năm nay, cả nước có trên 100 ngàn thí sinh bị loại khỏi vòng xét tuyển. Cuộc tranh tài của gần 536 ngàn thí sinh còn lại trên tổng số hơn 332 ngàn chỉ tiêu đại học cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông Trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, thí sinh vẫn còn một phương cách khác nhẹ nhàng hơn để vào đại học.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích lý giải: “Ngoài việc chú trọng đến khâu điều chỉnh nguyện vọng để tăng thêm cơ hội trúng tuyển của mình trong quá trình xét tuyển đại học theo kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh không nên bỏ qua cơ hội xét tuyển bằng học bạ nhằm tăng cơ hội vào một số trường. Hiện tại khá nhiều trường thực hiện phương thức xét tuyển này”.
Đại diện nhiều trường đại học khuyên rằng: thí sinh phải nghiên cứu kỹ nhiều nguồn thông tin trước khi đi đến quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Vì chỉ cần một điều chỉnh không hợp lý, rất có thể các em đã tự đánh mất đi cơ hội được vào ngành học, trường đại học mình yêu thích trong mùa tuyển sinh năm nay./.