Theo dõi sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, triệu chứng muộn sau 7-14 ngày
Theo bác sĩ Hiền Minh, trẻ em sau tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có các phản ứng phụ như người lớn, ngoài ra cần phải theo dõi thêm biến chứng chậm đó là viêm cơ tim sau nhiều ngày tiêm.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đưa ra những lưu ý khi chăm sóc trẻ sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Đó là phụ huynh hay người trong gia đình nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm vắc xin.
“Tùy từng trẻ, có thể có những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Có những trường hợp, triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn 7-14 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19”, bác sĩ chia sẻ.
Cụ thể, tại chỗ tiêm, trẻ có thể bị sưng, đỏ, đau nhức, có thể nổi cục nhỏ, ngứa hoặc nhức mỏi cánh tay. Gia đình không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì (lá cây, dầu gió, trứng gà…) vào chỗ sưng đau, có thể mát xa nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Những thuốc kháng dị ứng nên được dùng với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Về toàn thân, trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ có thể dễ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường. Đồng thời, người thân thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ.
Nếu sốt dưới 38,5 độ C, bố mẹ cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát nhưng lưu ý không để nhiễm lạnh. Bố mẹ nên nhắc trẻ uống nhiều nước.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 18 tuổi tại TP.HCM. |
Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, sử dụng thuốc cho trẻ 12-17 tuổi 1 viên x 3-4 lần/ ngày Paracetamol 500mg (tên gọi trên thị trường Panadol, Hapacol, Tylenol, Efferalgan…)
Đặc biệt, bác sĩ Hiền Minh nhấn mạnh phụ huynh theo dõi những dấu hiệu có liên quan đến biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin mRNA ở trẻ 12-17 tuổi, nhất là ở trẻ nam và sau mũi thứ hai, thường 2-4 ngày sau tiêm vắc xin (cũng có thể gặp sớm 12h sau tiêm hoặc muộn hơn).
Đó là đấu hiệu đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực.
“Bạn nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có than phiền những dấu hiệu trên. Phụ huynh không nên quá lo lắng vì hầu hết những ca viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim cấp tính rất hiếm gặp sau tiêm vắc xin Covid-19, đều khá lành tính và thường sẽ hồi phục nhanh chóng. Không cho trẻ ăn những thức ăn mà trẻ đã từng dị ứng (bất cứ mức độ nào) ít nhất 2 tuần sau tiêm vắc xin”, bác sĩ Hiền Minh nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính từ ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đến hết ngày 04/11/2021, Thành phố đã tổ chức tiêm vắc xin cho 629.604 trẻ, bao gồm 246.478 trẻ từ 16-17 tuổi, 383.126 trẻ từ 12-15 tuổi. Thành phố đã ghi nhận tổng cộng có 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức an toàn.
Trong ngày 04/11/2021, Thành phố triển khai được 101 điểm tiêm bao gồm 42 điểm trường học, 54 điểm cộng đồng và 05 điểm bệnh viện tại 20 quận huyện và thành phố Thủ Đức. Riêng Quận Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, Cần Giờ không tổ chức tiêm ngày 04/11/2021. Số lượng tiêm trong ngày là 30.114 trẻ, bao gồm 10.119 trẻ không đi học và 19.995 trẻ đi học. Trong đó 15.365 trẻ từ 16-17 tuổi, 14.749 trẻ từ 12-15 tuổi. Trong ngày không ghi nhận trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm.
Loại vắc xin sử dụng tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là Comirnaty của Pfizer. Ghi nhận tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống Covid-19 theo quy định.
Trong quá trình tiêm vắc xin, các em tuân thủ theo quy trình một chiều, được hướng dẫn khai báo y tế, khám sàng lọc, ngồi chờ theo thứ tự, theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm và giữ khoảng cách an toàn tại khu vực chờ.
Đồng hành với mỗi học sinh đi tiêm chủng là một bậc phụ huynh theo cùng, vừa theo dõi sức khỏe cho con, vừa ký giấy đồng thuận cho các em trước khi vào tiêm.
Khánh Chi