Triều Tiên có biện pháp gì để đối phó khủng hoảng lương thực?
Đối phó với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, Triều Tiên khuyến khích người dân nuôi thiên nga đen và thỏ để lấy thịt.
Truyền thông Triều Tiên gần đây có nhiều bài viết nói về công dụng đối với sức khỏe từ việc ăn thịt thiên nga đen, thịt thỏ và nuôi cá da trơn trên các ruộng lúa. Thông tin này được đưa ra giữa lúc cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng khiến giới chức Triều Tiên phải tìm kiếm các giải pháp mới để lo thực phẩm cho người dân.
Tờ Rodong Sinmun và DPRK Today gần đây nhấn mạnh thịt thiên nga đen là nguồn thực phẩm có giá trị, không chỉ về mặt giá trị dinh dưỡng do giàu protein mà còn có đặc tính "chống ung thư".
“Thiên nga đen là loài chim cảnh quý hiếm. Thịt rất thơm ngon và có giá trị dược liệu”, tờ Rodong Sinmun viết trong một bài báo đăng hồi tuần trước.
“Các tổ chức đang muốn nuôi thiên nga đen theo quy mô công nghiệp nhằm chủ động hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”, Rodong Sinmun cho hay.
Trước đây, thiên nga đen chỉ được truyền thông Triều Tiên nhắc tới trong các bài báo về lĩnh vực nghiên cứu học thuật, hoặc thông tin về Sở thú Trung ương ở thủ đô Bình Nhưỡng.
“Thịt thiên nga đen chứa các chất immunoglobulin, axit linoleic và chống ung thư. Đây là những chất hiếm khi xuất hiện trong các loại thịt khác”, tờ DPRK Today dẫn lời một quan chức trong trang trại nuôi thiên nga đen ở Jongpyong.
Thiên nga đen là loài chim nước sống chủ yếu ở các khu vực đông nam và tây nam của Australia.
Ông Bing Ji-chang, Tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu các loài chim ở Hàn Quốc, tin rằng việc xây dựng trang trại nuôi thiên nga đen để lấy thịt giống như Triều Tiên là lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới.
“Tôi chưa từng nghe chuyện thiên nga đen được dùng làm thực phẩm cho con người trên thế giới. Tôi nghĩ rằng không có vấn đề gì về việc nuôi và ăn thịt thiên nga đen, bởi thịt của chúng cũng giàu chất dinh dưỡng như các loài chim nước khác”, ông Bing chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Việc nuôi thiên nga đen và dùng làm nguồn thực phẩm cho người dân là một trong số nhiều phương pháp “bất thường” mà Triều Tiên đang thực hiện để tăng nguồn cung thực phẩm trong nước. Nguyên nhân là do Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực trầm trọng do tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế, đại dịch Covid-19 khiến Bình Nhưỡng phải đóng cửa các đường biên giới và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động thương mại với Trung Quốc, cùng tình trạng lũ lụt triền miên.
Chủ tịch triều Tiên Kim Jong-un cũng đã lên tiếng thừa nhận tình hình lương thực “căng thẳng” của quốc gia. Ông Kim còn xin lỗi những hy sinh mà người dân đang phải hứng chịu do hoạt động phong tỏa các đường biên giới để phòng chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo được cơ quan tình báo Hàn Quốc trình lên Quốc hội nước này hồi tuần trước, ông Kim được cho đã yêu cầu huy động tất cả nam giới đi thu hoạch mùa màng đang có. Ông Kim còn nói rằng, vấn đề lương thực khiến ông cảm thấy như “đang bước đi trên mặt sông phủ lớp băng mỏng”.
Hồi tháng 7/2020, các binh sĩ Triều Tiên cùng người thân còn nhận được lệnh nuôi thỏ, theo trang web DailyNK .
Cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên khiến Trung Quốc và Nga hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Bình Nhưỡng.
Trong bản nháp nghị quyết được Reuters chia sẻ vào ngày 1/11, Trung Quốc và Nga muốn 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an gỡ bỏ các lệnh trừng phạt “với mục địch tăng cường đời sống người dân” ở Triều Tiên.
Trong khi đó, kể từ năm 2006, LHQ đã ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Tình báo Hàn Quốc hé lộ nguyên nhân Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un giảm 20kg
Tình báo Hàn Quốc nhận định, Chủ tịch Kim Jong-un đã giảm 20 kg và Triều Tiên đang có những thay đổi trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Minh Thu (lược dịch)