Thiếu Trung Quốc, Mỹ không thể đàm phán hạt nhân với Triều Tiên?
Giới chuyên gia nhận định nếu thiếu vắng sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc, Mỹ khó có thể nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên.
Trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều vẫn đang dậm chân tại chỗ, nhiều nhà quan sát ngoại giao nhận định Trung Quốc nên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất đồng giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Dù cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng 3 lần gặp mặt Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và nhà lãnh đạo hai nước đã tiến hành 2 hội nghị thượng đỉnh vào năm 2018 và 2019, song vấn đề phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên vẫn chưa đạt được những bước tiến quan trọng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào năm 2018. (Ảnh: AP) |
Bất chấp lời đề nghị liên tiếp nối lại đàm phán từ phía chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Triều Tiên vẫn một mực từ chối. Chuyện này khiến Mỹ không ít lần hối thúc Trung Quốc hợp tác để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
“Chừng nào Triều Tiên tin rằng quốc gia này có thể phát triển kinh tế bằng cách hợp tác với Trung Quốc, Triều Tiên sẽ vẫn từ chối nối lại đàm phán với Mỹ hoặc Hàn Quốc”, ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong nhận định.
Cũng theo ông Cheong, “Nếu Mỹ không nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc về một thỏa thuận hạt nhân, thỏa thuận này sẽ không thể thành công”.
Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc dường như là quốc gia duy nhất có thể tạo ra tác động với Triều Tiên, bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, trong thư chúc mừng 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7 gửi tới Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Kim cũng đã nhấn mạnh muốn nâng tầm quan hệ với Bắc Kinh lên tầm chiến lược mới.
Do đó, theo ông Cheong, chính phủ Mỹ và Hàn Quốc cần xem xét mở rộng vòng đối thoại hạt nhân với Triều Tiên theo hướng đối thoại 4 bên với sự tham gia của cả Trung Quốc.
“Được biết, Triều Tiên cần quan hệ hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định chính trị, nên Bình Nhưỡng dường như sẽ không từ chối để Bắc Kinh tham gia vào đối thoại đa phương”, ông Cheong nói thêm.
Đồng quan điểm với ông Cheong, cựu đặc phái viên Mỹ phụ trách đối thoại 6 bên là ông Joseph DeTrani cũng cho rằng, “Trung Quốc có thể đóng vai trò chủ chốt để đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán”.
Chia sẻ với 38 North, ông DeTrani khẳng định với việc nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, “Bắc Kinh đã thành công thuyết phục Bình Nhưỡng tham gia đối thoại 6 bên hồi năm 2003 và có thể khuyến khích Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ để nối lại các cuộc đối thoại giải trừ hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh và bình thường hóa các mối quan hệ”.
Các cuộc đối thoại 6 bên được thiết lập vào năm 2003 là một diễn đàn đa phương với mục đích giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hoãn kể từ năm 2008.
“Đây là ưu tiên đối với Bắc Kinh nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột tiềm tàng xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên, cũng như làm thay đổi quan điểm của Mỹ và nhiều quốc gia khác nghi ngờ cam kết của Trung Quốc về quá trình giải trừ hạt nhân hoàn toàn và xác thực trên bán đảo Triều Tiên”, ông DeTrani nhận định.
Ông Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc và từng là đặc phái viên hàng đầu của Mỹ tham dự đàm phán 6 bên, cũng thừa nhận Mỹ sẽ không thể tự mình giải quyết vấn đề và cần có sự tiếp cận đa phương.
“Chúng ta cần các quốc gia khác cùng tham gia. Trên hết, Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Tôi cho rằng, Trung Quốc cũng đang muốn tận dụng Triều Tiên”, ông Hill cho hay.
Ngay cả trong chuyến thăm đầu tiên tới Seoul hồi tháng Ba, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố hy vọng Trung Quốc sẽ tận dụng “tầm ảnh hưởng to lớn” để hối thúc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông Blinken còn không quên nhấn mạnh, Trung Quốc có mối quan hệ độc nhất vô nhị với Triều Tiên.
Gần đây, nhiều nguồn tin cho rằng khả năng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới thăm Trung Quốc vào ngày 11/7 tới, thời điểm Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng chuyện này chưa chắc chắn, bởi Triều Tiên vẫn đang vô cùng thận trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và tiếp tục cho phong tỏa các đường biên giới giáp Trung Quốc.
Triều Tiên lần đầu tài trợ 300.000 USD cho quốc gia nào?
Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng lần đầu tiên sau 16 năm, Triều Tiên đã chuyển 300.000 USD cho Liên Hợp Quốc để hỗ trợ Myanmar.
Minh Thu (lược dịch)