Politico: Dù Đức và Nga còn mâu thuẫn, tương lai của Nord Stream 2 vẫn đảm bảo
Theo Politico, trong tương lai, với sự giúp đỡ của Moscow trong việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, Đức sẽ trở thành một quốc gia độc lập về năng lượng.
“Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) trị giá 11 tỉ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell), dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.
Dự án liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Mỹ luôn tích cực phản đối “Dòng chảy phương Bắc 2” vì muốn bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của mình cho châu Âu. Do đó, Washington gọi dự án này là “mối đe dọa an ninh” đối với các quốc gia châu Âu và bằng mọi cách ngăn cản việc xây dựng dự án này.
Đặc biệt, Washington đang cố gắng gây sức ép với Berlin nhưng chính quyền của quốc gia châu Âu này vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Politico cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ được hoàn thành.
Politico nhận định, Washington cũng hy vọng rằng vụ việc với nhà lãnh đạo đối lập người Nga Alexei Navalny sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Berlin và Moscow. “Nhưng với tình hình này không thể thay đổi thái độ của bà Merkel đối với Nga”, Politico nhấn mạnh.
Alexey Navalny là một nhà lãnh đạo đối lập, luật sư, nhân vật chính trị người Nga, nổi tiếng với các cuộc điều tra về tham nhũng ở Nga. Ông Navalny được coi là đối thủ chính trị của giới lãnh đạo Nga do Tổng thống Putin đứng đầu.
Trước đó, hôm 20/8, chiếc máy bay chở ông Navalny bay từ Tomsk đến Moscow đã phải khẩn cấp hạ cánh xuống Omsk do ông bị ốm. Navalny được đưa vào bệnh viện cấp cứu số 1, Sở Y tế tỉnh cho biết bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. Thư ký báo chí của Navalny là bà Kira Yarmysh trước đó cho rằng Navalny bị đầu độc, theo bà, lãnh đạo đối lập Nga đang hôn mê.
Hôm 23/8, kênh truyền hình ZDF trích dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ Đức cho biết, Alexei Navalny được đưa đến Berlin để điều trị với tư cách là “khách của Thủ tướng”. Các bác sĩ Đức chẩn đoán rằng Alexei Navalny bị ngộ độc bởi chất thuộc nhóm cholinesterase.
Nord Stream 2 trở thành trung tâm của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Đức. (Ảnh: RIA) |
Đức có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga vì Navalny
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết, Đức sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt ngoại giao đối với Nga nếu Berlin đi đến kết luận rằng Moscow đứng sau vụ nhập viện của chính trị gia Alexei Navalny.
“Liên quan tới việc Nga sẵn sàng hợp tác trong vụ Navalny, chúng tôi sẽ hành động tương tự như trong vụ giết người trước đó ở công viên Kleiner Tiergarten (Berlin)”, ông Heiko nói.
Năm ngoái, Đức tuyên bố hai nhà ngoại giao Nga là “nhân vật không được hoan nghênh” vì liên quan tới vụ sát hại công dân Gruzia Zelimkhan Khangoshvili ở Berlin, người bị Moscow nghi ngờ hoạt động khủng bố ở Nga.
Mới đây, hôm 6/8, tờ Handelsblatt của Đức đưa tin, ba thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ đã ký tên trong một bức thư chung gửi tới công ty cầu cảng Sassnitz của Đức, để cảnh báo về những hậu quả nếu công ty này hỗ trợ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức.
Các thành viên Thượng viện do thượng nghị sĩ Ted Cruz đứng đầu bao gồm hai thượng nghị sĩ khác là Tom Cotton và Ron Johnson cảnh báo công ty Sassnitz, có trụ sở tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức), về những hậu quả nghiêm trọng liên quan vai trò của công ty này trong việc hoàn thiện hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Cảnh báo nêu rõ, nếu hỗ trợ việc lắp đặt đường ống, Sassnitz sẽ bị cắt đứt quan hệ thương mại và tài chính với Mỹ. Do vậy, công ty Sassnitz và cảng Mukran ở đảo Rügen cần phải chấm dứt ngay việc hỗ trợ cho dự án vốn bị chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối lâu nay.
Điện Kremlin nói gì về quyết định từ chức củaThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe?
Điện Kremlin lấy làm tiếc về việc ông Shinzo Abe quyết định rời khỏi chức vụ Thủ tướng Nhật Bản.
Thanh Bình (lược dịch)