Ba Lan lấy làm tiếc khi EU đứng về phía Gazprom trong dự án Nord Stream 2
Kênh TVP Info của Ba Lan đưa tin, chính phủ nước này cho rằng việc xây dựng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” chắc chắn là bằng chứng cho thấy sự thiếu đoàn kết của châu Âu.
Mỹ ‘kiềm chế’ Nord Stream 2 bằng chiến lược như với Iran
Kênh N-TV của Đức viết, hành động trừng phạt Nord Stream 2 của Mỹ gần giống với Iran, khi Washington đe dọa sẽ phạt tất cả các doanh nghiệp và cá nhân vi phạm lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Theo đó, thành viên của Nghị viện châu Âu từ Ba Lan Jacek Sariusz-Wolski đã lên tiếng báo động sau khi Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ không chỉ Đức, mà gián tiếp là Nga và tập đoàn Gazprom.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Ảnh: Reuters) |
“Ủy ban châu Âu đang đứng về phía Nga, Gazprom và Đức về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nord Stream 2”, ông Sariusz-Wolski viết trên Twitter.
Được biết, chính trị gia người Ba Lan đã đưa ra một tài liệu, trong đó Brussels đề cập đến quan điểm của Washington. Tài liệu nhấn mạnh Brussels không công nhận các biện pháp trừng phạt bên ngoài từ nước thứ ba và coi chúng là trái với luật pháp quốc tế.
“Liên minh châu Âu phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty EU thực hiện các hoạt động hợp pháp theo luật pháp của EU”, EU tuyến bố trước đó.
Theo TVP Info, vào tháng 7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gia hạn các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) có thể gây tổn hại đáng kể cho các công ty Đức đầu tư vào “Dòng chảy phương Bắc 2”.
TVP Info cũng cho biết “Dòng chảy phương Bắc 2” đã trở thành một trong những chủ đề chính của cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Morawiecki bày tỏ sự hài lòng với quyết định mới đây của Chính phủ Mỹ về các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Chính phủ Ba Lan tin rằng việc xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” là bằng chứng cho thấy sự thiếu đoàn kết của châu Âu trong bối cảnh an ninh năng lượng như hiện nay.
Người phát ngôn của Chính phủ Ba Lan, Piotr Müller, cho biết chúng tôi rất vui khi chính phủ Mỹ hiểu rằng “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ là một ngoại lệ nguy hiểm trong việc cung cấp các đảm bảo về an ninh năng lượng ở châu Âu.
Đức nói về những hậu quả từ các lệnh trừng phạt với Nord Stream 2
Mới đây, Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommerns, bà Manuela Schwesig đã đưa ra nhận định trong cuộc phỏng vấn với tạp chí WirtschaftsWoche của Đức: “Đức có thể đối mặt với những hậu quả khó lường nếu nước này không có những biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án Nord Stream 2”.
Theo bà Manuela, việc cho phép Washington can thiệp vào dự án sẽ là bước khởi đầu dẫn tới sự kiểm soát hoàn toàn của Mỹ. “Ai có thể đảm bảo rằng bước tiếp theo sẽ không phải là việc chỉ đạo chúng ta phải đi chiếc xe nào? Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”, bà Manuela nói.
Ngoài ra, bà Manuela nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án xây dựng đường ống dẫn khí khi Đức nỗ lực chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể trong một vài năm tới Đức dự định từ bỏ hoàn toàn ngành công nghiệp than.
Đồng thời, thủ hiến lưu ý bang của bà sẽ không từ bỏ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” và kêu gọi Berlin và EU không để bị “dọa dẫm”.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề kinh tế và năng lượng của Hạ viện Đức Klaus Ernst tiết lộ về việc Berlin có thể sẽ đưa vấn đề Mỹ trừng phạt các công ty tham gia dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” ra Liên Hợp Quốc.
Ông Klaus Ernst gọi hành động của Mỹ là gây áp lực trái với pháp luật quốc tế. Việc Mỹ yêu cầu một quốc gia có chủ quyền khác hoặc yêu cầu Liên minh châu Âu phải hành động, hoặc giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng của chính họ theo ý của Mỹ.
Người đứng đầu Ủy ban thuộc Hạ viện Đức nhấn mạnh đây là hành động “trái với bất cứ mối quan hệ hợp lý nào”.
Thanh Bình (lược dịch)