Nhân viên quét dọn tình nguyện ngủ lại nhà vệ sinh công cộng 4 đêm liên tiếp
Đảm bảo nhà vệ sinh công cộng hoạt động thông suốt trong khoảng thời gian phong tỏa, nữ nhân viên quét dọn tình nguyện ở lại 4 đêm liên tiếp.
Một nữ nhân viên quét dọn vệ sinh tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã tình nguyện ngủ lại trong nhà vệ sinh công cộng suốt 4 đêm liên tiếp vì lệnh phong tỏa. Người phụ nữ cho hay bà làm như vậy vì muốn đảm bảo nhà vệ sinh công cộng đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân sinh sống trong khu chung cư có nhiều hộ gia đình vốn không có nhà vệ sinh riêng.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), bà Li Chunqiao công tác tại công ty Phát triển Môi trường Yangpu Thượng Hải đã bị mắc kẹt tại nơi làm việc và quyết định ở lại trong nhà vệ sinh công cộng từ ngày 17 – 21/3, thời điểm khu chưng cư bị phong tỏa sau khi chính quyền địa phương phát hiện các ca mắc Covid-19 tại đây.
Nữ nhân viên quét dọn tình nguyện ngủ lại ở nhà vệ sinh công cộng 4 đêm liên tiếp để làm nhiệm vụ. (Ảnh: SCMP) |
Hai tòa nhà trong tổ hợp chung cư được xây dựng mà không có nhà vệ sinh riêng trong từng hộ vào những năm 1950. Do đó, những hộ gia đình này phải dùng nhà vệ sinh công cộng.
“Do người dân không được phép rời khỏi nhà, càng có thêm nhiều người phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nhiều nhân viên y tế và tình nguyện viên cũng tới đây”, bà Li cho biết.
Bà Li cho hay cứ 30 phút bà lại tiến hành khử khuẩn nhà vệ sinh. Thời gian hoạt động của nhà vệ sinh công cộng là từ 5 – 22h hàng ngày.
Khi bà Li quyết định bản thân cần có trách nhiệm trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Trung Quốc, bà cảm thấy trọng trách mình đảm nhận giống như “tảng đá đè lên ngực” .
Trong 4 ngày liên tiếp không về nhà, bà Li sống nhờ vào thức ăn mà đồng nghiệp và người dân địa phương mang cho. Vào ban đêm, bà dùng chiếc ghế mà đồng nghiệp mang cho để nằm ngủ. Đồng nghiệp còn trang bị cho bà Li bộ đồ bảo hộ y tế để ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus corona trong lúc làm việc.
“Vào ban đêm, trời mưa rất to và mùi hôi trong nhà vệ sinh bốc lên khiến tôi phải đốt hương muỗi. Đêm đầu tiên, tôi đã không thể ngủ được vì bị lạnh và cảm thấy lạ lẫm, nhưng sau đó tôi nhận ra ai cũng có nhiệm vụ phải làm”, bà Li tâm sự.
Kể từ đầu tháng Ba, thành phố Thượng Hải ghi nhận tình trạng dịch Covid-19 bùng phát tồi tệ nhất do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron. Vào ngày 30/3, Thượng Hải báo cáo có hơn 5.600 ca mới mắc Covid-19 trong ngày với khoảng 5.300 trường hợp không phát triệu chứng.
Lệnh phong tỏa ban đầu được áp dung với một số tòa nhà dân sinh, nơi phát hiện có ca mắc Covid-19. Nhưng từ tuần này, chính quyền Thượng Hải thi hành lệnh phong tỏa chia làm 2 phần và áp dụng trên quy mô toàn thành phố.
Hôm 31/3, chính quyền thành phố Thượng Hải lên tiếng thừa nhận đã không chuẩn bị tốt trước làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, và không đáp ứng được nhu cầu tại các khu vực bị hạn chế nghiêm ngặt.
Cụ thể, ông Ma Chunlei, quan chức cấp cao ở Thượng Hải, nhấn mạnh chính quyền thành phố đã xử lý kém làn sóng lây nhiễm bệnh và tiếp thu sự chỉ trích của dư luận.
“Nhận thức của chúng tôi về biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh và khó lường là chưa đủ, cũng như tâm lý chuẩn bị đối với số ca bệnh tăng nhanh chưa toàn diện,” ông Ma nói.
Ông Ma thừa nhận chính quyền Thượng Hải chưa đủ "chu đáo" trong công tác đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân ở khu vực phong tỏa, cũng như chưa triển khai đủ biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh cần thiết.
Thất nghiệp vì dịch bệnh, hướng dẫn viên du lịch được mời đi hái chè để kiếm sống
Thành phố du lịch nổi tiếng của Trung Quốc tạo điều kiện để các hướng dẫn viên du lịch đang thất nghiệp đi hái chè nhằm kiếm thêm thu nhập.
Minh Thu (lược dịch)