Mỹ ‘kiềm chế’ Nord Stream 2 bằng chiến lược như với Iran
Kênh N-TV của Đức viết, hành động trừng phạt Nord Stream 2 của Mỹ gần giống với Iran, khi Washington đe dọa sẽ phạt tất cả các doanh nghiệp và cá nhân vi phạm lệnh trừng phạt đối với Tehran.
EU sẽ bảo vệ Nord Stream 2 khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ?
Hãng tin RIA viết, người Mỹ đang đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn kiên quyết bác bỏ.
Theo đó, chiến thuật này đã được chứng minh là hiệu quả, vì các doanh nghiệp lớn không thể từ bỏ thị trường Mỹ. Đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), Hoa Kỳ còn đi xa hơn, khi đe dọa các công ty châu Âu bằng các biện pháp trừng phạt vì hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ châu Âu.
Liên minh châu Âu không công nhận các biện pháp trừng phạt mà các nước thứ ba thực hiện đối với các công ty châu Âu. (Ảnh: Reuters) |
Mới đây, Thượng nghị sĩ từ Texas Ted Cruz và hai đồng nghiệp đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty Sassnitz của Đức, nằm ở thành phố Sassnitz trên đảo Rügen, về những hậu quả nghiêm trọng liên quan vai trò của công ty này trong việc hoàn thiện hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Theo N-TV, trở ngại lớn là vai trò của công ty Sassnitz trong việc xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Ông Ted Cruz là một trong những lực lượng chính trị đứng sau Đạo luật Bảo vệ An ninh Năng lượng Châu Âu. N-TV nhắc lại, phiên bản đầu tiên của đạo luật này chỉ liên quan đến tàu đặt ống, nhưng vào tháng 7 năm nay luật đã được thắt chặt, cho phép áp dụng lệnh trừng phạt đối với tất cả các công ty tham gia dự án. Trong khi đó, tại cảng Sassnitz là nơi đường ống và các vật liệu khác được tập kết để xây dựng đường ống dẫn khí đốt.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, “không nhà nước nào có quyền xác định chính sách năng lượng của châu Âu bằng cách sử dụng các mối đe dọa”.
Người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” là vi phạm luật pháp quốc tế. Theo N-TV, Berlin và Moscow quyết tâm hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt.
“Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ có tác động thực sự”, N-TV viết. Trong trường hợp của “Dòng chảy phương Bắc 2”, Washington cũng đi theo mô hình gần như tương tự như trong tình huống với Iran.
Khi các nước Liên minh châu Âu (EU) từ chối rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với Mỹ, chính quyền ông Trump đã đe dọa tất cả các doanh nghiệp và cá nhân vi phạm chế độ trừng phạt đối với Tehran bằng các khoản tiền phạt. Những nỗ lực của Brussels để chống lại một quyết định như vậy đã không đi đến kết quả do các doanh nghiệp lớn không thể từ chối tiếp cận thị trường Mỹ. Ngay cả khi có thể, họ vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Mỹ, những công ty thực hiện phần lớn các hoạt động giao dịch bằng USD.
“Kịch bản tương tự có thể xảy ra với “Dòng chảy phương Bắc 2”, nhưng trong trường hợp này, chiến thuật của Mỹ đang đạt đến một tầm cao mới”, N-TV nhận định. Chính phủ Mỹ dự định trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh trên lãnh thổ châu Âu, nghĩa là can thiệp trực tiếp vào thị trường năng lượng châu Âu.
N-TV lưu ý, EU hiện nay vẫn chưa thể đưa ra phản ứng quyết định đối với các hành động của Mỹ. Liên minh cầm quyền của Đức cũng không làm được điều này, hơn nữa, không phải tất cả các chính đảng của Đức đều ủng hộ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Trong khi đó, ngay cả các chuyên gia độc lập cũng tin rằng hành động của Mỹ dựa trên lợi ích kinh tế của chính họ chứ không phải lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu.
Theo chuyên gia Kirsten Westphal thuộc Quỹ Kinh tế và Chính trị Đức, Hoa Kỳ có lợi ích lớn trong việc tiếp thị khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), bao gồm cả ở châu Âu. Washington không quan tâm đến các quy tắc quốc tế. Trong tương lai, tình hình khó có thể thay đổi, ngay cả khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.
“Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 11 tỉ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell), dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.
Dự án liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Thanh Bình (lược dịch)