Mua sắm trên mạng, gần 400 người trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo
Giả vờ là người bán hàng để đăng thông tin bán sản phẩm lên nền tảng thương mại trực tuyến, nam đối tượng đã lừa gần 400 người.
Hôm 31/8, nam bị cáo (34 tuổi) bị tòa án Singapore tuyên án 60 tháng tù giam và phạt 17.000 đô la Singapore (hơn 12.000 USD) vì tội lừa đảo trên một nền tảng thương mại điện tử, và tham gia các hoạt động đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp.
Theo thông báo của Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF), bị cáo Poh Zhenlong Caine đã lừa 396 nạn nhân với tổng số tiền là hơn 108.000 đô la Singapore (hơn 77.000 USD) trên nền tảng thương mại điện tử Carousell.
Gần 400 người trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo khi thực hiện mua sắm trên mạng. (Ảnh: Straits Times) |
SPF cho biết thêm, cơ quan này đã nhận được hàng loạt đơn khiếu nại từ các nạn nhân bị nhiều người bán hàng lừa đảo trong khoảng thời gian từ tháng 10/2018 – 6/2020. Được biết, những kẻ lừa đảo đã yêu cầu khách hàng thanh toán hàng hóa trước bằng cách chuyển khoản ngân hàng. Nhưng sau khi nhận được tiền, người bán hàng lập tức cắt đứt liên lạc và không thực hiện giao sản phẩm cho khách hàng.
“Các đối tượng quảng cáo bán vé cho công viên giải trí Universal Studios Singapore (USS), các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao và nhiều mặt hàng khác. Sau khi nạn nhân chuyển tiền qua PayNow hay Paylah, người bán hàng lập tức cắt đứt liên lạc và không giao hàng”, CNA dẫn tuyên bố từ SPF.
Sau quá trình điều tra, SPF phát hiện chính Poh giả vờ là người bán hàng đăng thông tin quảng cáo lên nền tảng thương mại điện tử Carousell để bán các sản phẩm.
Trên thực tế, Poh đăng quảng cáo bán vé cho USS, các buổi hòa nhạc và sự kiện thể thao do biết nhu cầu mua vé là rất lớn trên nền tảng Carousell.
“Bằng hành vi lừa đảo, Poh đã lừa 396 nạn nhân chuyển khoản số tiền hơn 108.693 đô la Singapore tới các tài khoản ngân hàng khác nhau", SPF cho biết.
Tại tòa án, Poh bị cáo buộc các tội danh lừa đảo và tham gia đánh bạc trực tuyến phạm pháp.
SPF nhấn mạnh người dân cần vô cùng thận trọng khi thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến và để bảo vệ quyền lợi, khách hàng chỉ chuyển tiền cho người bán khi nhận được sản phẩm.
“Nếu có thể, hãy tránh đặt cọc trước hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trực tiếp cho người bán hàng. Những kẻ lừa đảo có thể dụ dỗ khách hàng liên lạc trực tiếp qua tin nhắn trên WhatsApp hoặc WeChat để thực hiện giao dịch nhanh và tiện hơn nếu như chuyển khoản tiền trực tiếp cho chúng. Chúng có thể dùng tài khoản ngân hàng ở địa phương, hoặc cung cấp bản copy bằng lái xe để tăng sự tin tưởng của khách hàng”, SPF khuyến cáo.
Cũng theo SPF, người dân chỉ mua sắm tại các nguồn có danh tiếng, hoặc người bán được cấp phép kinh doanh nhất là đối với những món hàng có giá trị lớn.
Nữ sinh vướng vòng lao lý do sập bẫy đường dây lừa đảo qua điện thoại
Sập bẫy của bọn lừa đảo qua điện thoại, nữ sinh vô tình rơi vào vòng lao lý do có liên quan tới hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Con gái dùng chiêu trò tâm linh lừa đảo chiếm đoạt 140 triệu USD của mẹ đẻ
Dùng chiêu trò tâm linh, người con gái đã tổ chức đường dây lừa đảo để chiếm đoạt 140 triệu USD của mẹ đẻ.
Minh Thu (lược dịch)