Loại vắc xin Covid-19 ‘thế hệ thứ hai’ có thực sự đáng mong đợi?
Các nhà khoa học cho rằng, vắc xin Covid-19 ở dạng uống hoặc dạng xịt là một bước đột phá.
Theo đó, các loại vắc xin này có thể cung cấp khả năng miễn dịch khử trùng, sẽ phá vỡ chuỗi nhiễm trùng và ngăn chặn đại dịch. Một số loại vắc xin thuộc dạng này đang được thử nghiệm trên thế giới.
Bà Soumya Swaminathan, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, bà rất mong đợi “thế hệ thứ hai” của vắc xin Covid-19, bao gồm vắc xin dạng xịt và dạng uống.
Theo bà Swaminathan, có 129 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng và 194 loại khác đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các vắc xin này được phát triển dựa trên mọi công nghệ và đang trong quá trình phát triển.
Cùng với các vắc xin dạng tiêm, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vắc xin dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. (Ảnh: Depositphotos) |
“Một số loại vắc xin thuộc thế hệ thứ hai có thể mang nhiều lợi thế, nhất là vắc xin dạng uống hay dạng xịt mũi, bởi chúng dễ đưa vào cơ thể hơn vắc xin dạng tiêm. Không chỉ dừng lại ở Covid-19, chúng ta có thể sử dụng các nền tảng phát triển vắc xin này cho những bệnh khác trong tương lai", bà Swaminathan nói.
Vắc xin dưới dạng xịt mũi được tạo ra như thế nào?
RIA dẫn các thông tin cho biết, trên thực tế các nhà khoa học ngay từ đầu đã nói về những lợi thế của vắc xin Covid-19 ở dạng xịt mũi so với những loại thuốc tiêm.
Vào tháng 8 năm ngoái, các nhà khoa học từ Đại học Washington đã công bố một trong những nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này. Họ đã lấy virus cúm A làm cơ sở, đưa vào bộ gen của nó những đột biến khiến nó không thể sinh sản được, cụ thể là họ đã xóa gen sản xuất Neuraminidase protein. Thay vào đó, họ chèn vào nó một vùng mã hóa thụ thể của đột biến protein gai corona virus.
Thuốc đã được thử nghiệm trên chuột. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, thuốc này không độc hại và không dẫn đến dịch bệnh. Ba tuần sau, trong máu của động vật đã xuất hiện các kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 với số lượng tương đương với kháng thể trong máu của những người đã bị mắc Covid-19.
Các tác giả của nghiên cứu lưu ý, virus cúm khá thuận lợi cho việc phát triển vắc xin vector. Thứ nhất, nó được nghiên cứu kỹ lưỡng, thứ hai, nó được đưa vào các loại thuốc chống cúm, thứ ba là RNA rất dễ biến đổi do di truyền ngược.
Cũng theo các tác giả của công trình này, vắc xin xịt mũi tạo ra một loại miễn dịch đặc biệt ở niêm mạc. Ngoài ra, nếu các nhà khoa học tìm cách không tước bỏ vectơ mang Neuraminidase protein, thì có thể tạo ra một loại vắc xin tác dụng kép - chống lại bệnh cúm và Covid-19.
“Bảo vệ của niêm mạc”
Vắc xin tiêm ở bắp tay tạo ra các phản ứng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể, không nhắm mục tiêu cụ thể vào vùng lây nhiễm của virus. Trong khi đó, vắc xin dạng xịt nhắm mục tiêu cụ thể vào các bề mặt niêm mạc mũi, họng và phổi, điểm xâm nhập của virus, để tạo ra phản ứng miễn dịch.
Theo các chuyên gia, hàng tỷ vi khuẩn tác động lên chúng ta mỗi ngày qua mũi và miệng. Không có gì ngạc nhiên, trong quá trình tiến hóa đã xuất hiện một tuyến phòng thủ chống lại mầm bệnh - hệ thống miễn dịch rất nhạy cảm trong màng nhầy có khả năng nhanh chóng nhận ra “kẻ xâm lược”.
Miễn dịch niêm mạc hoạt động trong khoang mũi, hầu họng, amiđan, adenoids, ống eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng), các mô thanh quản, phế quản và phổi. Tức là bất cứ nơi nào có màng nhầy: trong ống tiêu hóa, tuyến lệ, mạch máu, da. Nhiệm vụ chính của hệ miễn dịch là tạo ra các kháng thể đặc biệt, các globulin miễn dịch loại A (IgA), ngăn chặn mầm bệnh bám vào các tế bào niêm mạc và xâm nhập vào bên trong.
Trong vòm mũi họng có rất nhiều thụ thể ACE2 - cửa ngõ của Covid-19. Trên bề mặt của virus corona có một đột biến gần vị trí protein gai nhọn bám vào các thụ thể này để xâm nhập vào tế bào. Tuy nhiên, bên dưới phế nang, số lượng thụ thể ACE2 là ít hơn nhiều, vì thế nếu sử dụng vắc xin dạng xịt qua mũi, con đường lây nhiễm sẽ bị chặn lại.
Vắc xin dạng xịt mũi được cho là có khả năng cung cấp khả năng miễn dịch khử trùng. Một người sẽ không bị mắc Covid-19 trong một thời gian nhất định, điều này sẽ giúp chặn đứng chuỗi lây nhiễm và sẽ làm chậm quá trình lây lan của đại dịch. Điều tương tự xảy ra ở những người mới khỏi bệnh, họ vẫn có kháng thể IgA đặc hiệu trong niêm mạc mũi họng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, tốt hơn hết là sử dụng thuốc xịt mũi cùng với thuốc dạng tiêm.
Có những loại vắc xin xịt nào?
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, với tính tiện dụng và phổ cập cao, vắc xin dạng xịt có thể là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giúp không chế đại dịch.
Theo chuyên gia Nathalie Mielcarek, Viện Pasteur Lille (Pháp) kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khả năng bị virus lây nhiễm xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng virus thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn. Bên cạnh đó, vắc xin dạng xịt được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.
Một số loại vắc xin dạng mũi đang được thử nghiệm lâm sàng. Tất cả các loại vắc xin dạng này đều ở giai đoạn đầu, ngoại trừ một loại thuốc Trung Quốc được tạo ra theo công nghệ vector virus cúm.
Ở Nga, vắc xin dạng xịt bắt đầu được phát triển cách đây một năm tại Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước về Virus và Công nghệ Sinh học “Vector” và Viện Y học Thực nghiệm ở Saint Petersburg.
Trước đó, vào tháng 6, giới chức y tế Nga cho hay, họ đã thử nghiệm một loại vắc xin phòng Covid-19 dạng xịt mũi phù hợp cho trẻ em từ 8 đến 12 tuổi và từng có kế hoạch tung ra sản phẩm mới vào tháng 9.
Đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài. Các nhà nghiên cứu đang phát triển thêm loại vắc xin dạng xịt qua đường mũi. (Ảnh: Pixabay) |
Vào giữa tháng 10, Bộ Y tế Nga đã cho phép thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin dạng xịt mũi được phát triển tại Trung tâm Gamaleya. Theo thông tin trên báo chí, đây là một trong những thành phần của vắc xin Sputnik V, tức là phiên bản suy yếu của virus Adeno hoạt động như vật mang protein đột biến.
Viện Nghiên cứu khoa học mang tên V.I. AA Smorodintsev chuyên nghiên cứu về bệnh cúm, có trụ sở tại Saint-Peterburg (Nga) mới đây đã tạo ra vắc xin mới có tên “Corfluvek” dựa trên virus cúm tuýp A, từ đó loại bỏ protein mất chức năng làm cấu trúc. Hiện vẫn chưa rõ thông tin chi tiết về loại vắc xin mới này, nhưng viện Smorodintsev trước đây đã nghiên cứu các nguyên mẫu vắc xin có vector virus - cụ thể là chống lại bệnh lao.
Vắc xin dạng xịt có thể được sử dụng thông qua các thiết bị dùng 1 lần mà không cần nhân viên được đào tạo. Điều này giúp chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể triển khai dễ dàng hơn.
Cho tới nay, WHO chỉ mới phê duyệt 8 loại vắc xin COVID-19, bao gồm vắc xin của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Covishield (phiên bản vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất), Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và mới nhất là Bharat Biotech (Covaxin).
Black Friday ở Mỹ sẽ kéo dài một tháng do vấn đề nguồn cung
Washington Times đưa tin, đợt bán hàng Giáng sinh truyền thống ở các cửa hàng Mỹ sẽ bắt đầu sớm hơn thường lệ và kéo dài suốt tháng 11.
Thanh Bình (lược dịch)