Có 85% dân số tiêm vắc xin Covid-19, vì sao Hà Lan vẫn phải phong tỏa?
Hà Lan, quốc gia có 85% dân số đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, sẽ cho phong tỏa một phần để ngăn chặn số ca mới mắc Covid-19 tăng kỷ lục.
Vào cuối tuần này, Hà Lan sẽ cho áp đặt lệnh phong tỏa một phần lần đầu tiên tại Tây Âu kể từ mùa hè năm nay để ngăn chặn số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh.
Đây là thông tin được đài truyền hình NOS của Hà Lan công bố vào ngày 12/11. Theo nguồn tin từ chính phủ Hà Lan, các quán bar, nhà hàng, cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa vào lúc 19h ít nhất là 3 tuần bắt đầu từ ngày 13/11.
Có gần 85% dân số đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 nhưng Hà Lan vẫn phải áp đặt phong tỏa một phần. (Ảnh: EPA) |
Người dân được khuyến cáo làm việc tại nhà nhiều nhất có thể. Các sự kiện thể thao trong những tuần tới không được phép để cổ động viên tới sân. Trường học, nhà hát và rạp chiếu phim vẫn duy trì hoạt động.
Nội các của Thủ tướng Mark Rutte dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối ngày 12/11, trước khi thông báo các biện pháp mới phòng dịch được ban hành.
Số ca mới mắc Covid-19 tại Hà Lan, quốc gia có dân số 17,5 triệu người, đã tăng lên nhanh chóng sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được xóa bỏ từ cuối tháng Chín. Hôm 11/11, Hà Lan ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ đạt kỷ lục là gần 16.300.
Làn sóng mới nhiễm virus corona đã làm tăng sức ép đối với hệ thống bệnh viện trên toàn lãnh thổ Hà Lan, buộc các cơ sở y tế dồn nhân lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Để kiềm chế dịch bệnh lan rộng hơn, ban cố vấn phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ Hà Lan hôm 11/11 đã khuyến nghị thực hiện phong tỏa một phần và giới hạn chỉ người đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 hoặc mới hồi phục sau nhiễm virus corona mới được tới các địa điểm công cộng.
Việc ban hành lệnh phong tỏa mới cho thấy bước thay đổi lớn trong chính sách chống Covid-19 của chính phủ Hà Lan. Bởi hồi tháng 10, chính phủ Hà Lan tuyên bố tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở mức cao sẽ giúp quốc gia này nới lỏng thêm nhiều biện pháp phòng chống dịch cho tới cuối năm nay.
Trong khi đó, hàng ngàn người biểu tình đã đổ xuống đường ở thành phố The Hague vào cuối tuần qua, sau khi chính phủ Hà Lan hôm 2/11 tuyên bố siết chặt quy định đeo khẩu trang và một số biện pháp khác để kiềm chế dịch bệnh.
Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 85% người trưởng thành ở Hà Lan đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Chiến dịch tiêm mũi tăng cường đang được thực hiện trên đối tượng là người có hệ miễn dịch yếu. Từ tháng 12, Hà Lan sẽ tiêm mũi tăng cường cho người trên 80 tuổi.
Số liệu từ Viện Y tế Hà Lan (RIVM) cho thấy trong tháng 10, 55% bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này phải nhập viện điều trị và trong số này 70% là người chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
Trên thực tế, Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất đang tái cân nhắc áp dụng các biện pháp kiểm soát do số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục trở lại. Cụ thể, Áo cho hay đang tính chuyện "phong tỏa" hàng triệu người chưa tiêm vắc xin ngừa virus corona.
Điển hình, hôm 11/11, số liệu chính thức được chính phủ Áo công bố cho thấy nước này có 760,6 ca mới mắc Covid-19 trên 100.000 người trong 7 ngày qua. Tỷ lệ ở Áo hiện cao gấp 3 lần so với Đức, dù Đức cũng đang trong tình trạng báo động về số ca nhiễm tăng theo ngày.
Chính phủ Áo cho biết việc phong tỏa đối với người chưa tiêm vắc xin Covid-19 trên phạm vi toàn quốc có thể là điều “khó tránh khỏi”.
Ngoài ra, theo quy định mới, chứng nhận vắc xin cũng chỉ có hiệu lực sau 9 tháng kể từ khi hoàn tất mũi tiêm thứ hai. Để chứng nhận có hiệu lực trở lại, người dân phải đi tiêm mũi tăng.
Trước đó, hôm 8/11, Áo áp dụng quy định không cho phép người chưa tiêm vắc xin Covid-19 tới nhà hàng, khách sạn, hiệu cắt tóc và tham dự các sự kiện công cộng. Hiện Áo có tới 33,1% người dân chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Còn tại Đức, bắt đầu từ ngày 15/11, thủ đô Berlin sẽ áp dụng quy tắc 2-G trên toàn thành phố. Theo đó, ngoại trừ người dưới 18 tuổi, chỉ người đã tiêm vắc xin Covid-19 hoặc mới khỏi bệnh Covid-19 mới được phép vào các nhà hàng, rạp chiếu phim hay các sự kiện đông người. Chính quyền thành phố Berlin nhấn mạnh, biện pháp mới là để đối phó trước số ca mới mắc Covid-19 tăng nhanh và làm gia tăng sức ép đối với các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Anh lại cho rằng với tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở ngưỡng cao, lệnh phong tỏa là không cần thiết. Hiện Anh đang dựa vào chiến dịch tiêm mũi vắc xin tăng cường để đối phó với dịch Covid-19.
Bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu
Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir để chiến đấu với dịch Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)