Khủng hoảng Ukraine làm ‘hồi sinh’ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ?
Theo CNBC, việc giá dầu tăng mạnh, gây ra bởi tình hình căng thẳng xung quanh Ukraine, góp phần vào sự hồi sinh của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.
Cụ thể, ẩn phẩm của Mỹ nhắc lại rằng ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020, nhưng giờ đây các công ty Mỹ đã tăng khối lượng sản xuất một lần nữa trong bối cảnh giá dầu đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng.
“Trong trường hợp ‘động binh’ với Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể vô tình giúp đỡ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ”, CNBC viết.
Theo CNBC, chủ đề năng lượng là trung tâm của cuộc xung đột Ukraine. Giá khí đốt châu Âu đã tăng trong suốt mùa đông do lo ngại nguồn cung bị cắt giảm.
Ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. (Ảnh: AP) |
Nga là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu thông qua một số đường ống dẫn khí đốt, bao gồm cả những đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine. Đối với Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) việc xây dựng đã hoàn thành, nhưng đường ống vẫn chưa được đưa vào hoạt động.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa nói rằng Nord Stream 2 sẽ không được hoạt động trong trường hợp Nga “mạnh tay” với Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng, trong trường hợp Nga “động binh”, Mỹ sẽ có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Theo các nhà phân tích, trong trường hợp xấu nhất, các biện pháp trừng phạt sẽ chặn nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho châu Âu, hoặc chính nước này sẽ tự cắt đứt nguồn cung cấp như một biện pháp trả đũa.
Được biết, trước đại dịch Covid-19, Mỹ có sản lượng khai thác cả dầu và khí đốt lớn nhất, ngày nay những vị trí này đang dần được khôi phục. Ngoài ra, Mỹ cũng là một nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn.
Theo nhà cung cấp thông tin có trụ sở chính tại London IHS Markit, vào tháng 1, Mỹ đã giao 7,73 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu, so với 7,5 tỷ mét khối thông qua các đường ống của Nga. Tuy nhiên, LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng) của Mỹ không thể thay thế đáng kể cho khí đốt của Nga, vì châu Âu chỉ có thể chấp nhận lượng LNG hạn chế.
CNBC dẫn lời Dan Yergin, Phó chủ tịch IHS Markit cho biết: “Cùng lúc đó Mỹ có ý định tăng xuất khẩu dầu của mình”. Ông Yergin lưu ý rằng, trong năm tới, xuất khẩu dầu đá phiến của Mỹ có thể trở lại mức trước đại dịch.
“Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine đã củng cố ‘cơn sốt vàng đen’ đối với tất cả các công ty có mặt trên thị trường”, John Kilduff, đối tác của Again Capital nhận định.
Theo ước tính của CNBC, Mỹ sản xuất rất nhiều dầu, nhưng Nga là nhà cung cấp lớn hơn, vì vậy “một cuộc xâm lược tiềm tàng” vào Ukraine sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Chính phủ Nga luôn thận trọng về giá dầu, vì đây cũng là động lực để tăng sản lượng cho các công ty Mỹ.
Theo chuyên gia Dan Pickering, Giám đốc đầu tư của Pickering Energy Partners, các công ty dầu mỏ của Mỹ vẫn chưa tối đa hóa sản lượng vì đang phải chịu áp lực từ các cổ đông. Tuy nhiên, sản lượng khai thác ngày càng tăng vì có liên quan đến giá dầu cao.
“Hãy giả sử Nga không ‘động binh’ với Ukraine. Sau đó, giả sử, giá dầu sẽ giảm giá xuống còn 82 USD/thùng. Đó vẫn là một mức giá rất tốt. Sự hồi sinh thực sự của ngành công nghiệp này sẽ diễn ra khi không có tác động bên ngoài và giá cả vẫn ở mức cao”, ông Pickering nhận định.
Trong khi đó, IHS Markit lưu ý rằng, các công ty dầu mỏ của Mỹ đang tăng sản lượng lên khoảng 50% trong năm nay. Ông Pickering cho biết thêm, tập đoàn năng lượng ExxonMobil có kế hoạch tăng sản lượng lên 25% và Chevron là 10%.
Thanh Bình (lược dịch)
Điều gì đang xảy ra ở Donbass?
Quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực Donbass, hai người đứng đầu DPR và LPR tự xưng mới đây đã thông báo về việc sơ tán người dân khỏi khu vực này sang lãnh thổ Nga.