Khí đốt Mỹ sẽ 'sưởi ấm' châu Âu?
Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường châu Âu, theo kết quả của 10 ngày đầu năm, khối lượng LNG mà các nước châu Âu mua từ Mỹ đã đạt kỷ lục và vượt quá nguồn cung từ Gazprom tới 5 lần.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài vì thời tiết và sự tăng trưởng nhu cầu mới ở Đông Á sẽ không cho phép nguồn cung xuyên Đại Tây Dương thống trị quá lâu. Các chuyên gia cho rằng giá khí đốt trước khủng hoảng ở Liên minh châu Âu (EU) khó có thể phục hồi không chỉ trước cuối mùa đông mà còn trước cuối năm nay.
Sự phục hồi của giá khí đốt ở Châu Âu
Vào tháng 12 năm ngoái, tình hình thị trường khí đốt của EU gần như hoảng loạn khi giá lần đầu tiên vượt quá 2.000 USD/nghìn mét khối. Chênh lệch với giá Mỹ tại Texas là gần 20 lần. Trước tình hình đó, một “bàn tay vô hình” của thị trường đã can thiệp - vài chục hãng vận tải khí đốt lập tức đổi hướng và tiến về các cảng châu Âu. Do đó, giá vào đầu tháng Giêng đã giảm xuống còn 900 USD/nghìn mét khối, đây vẫn là một con số quá lớn so với tình hình 6 tháng trước, nhưng vẫn có thể chấp nhận được so với số liệu của tháng 12 năm ngoái.
EU là khu vực bị tác động nhiều nhất bởi giá khí đốt tăng cao. (Ảnh: Nord Stream 2) |
Tất cả điều này xảy ra trong bối cảnh Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang “bị động”, không vội vàng cung cấp khí đốt vượt quá các hợp đồng đã thỏa thuận. Điều này được giải thích một phần là do mùa đông lạnh giá ở Nga, nơi nhiệt độ ở hầu hết lãnh thổ châu Âu của nước này bằng hoặc thấp hơn mức trung bình trong thời gian dài cho tháng 12 và tháng 1, trong khi mùa đông ở châu Âu vẫn ấm hơn bình thường. Tuy nhiên, người dân châu Âu đang gặp khó khăn ngay cả trong những điều kiện này, với giá điện đạt 450 €/megawatt vào tháng 12 năm ngoái.
Hiện nay giá cả đã giảm, mặc dù vậy, điện và nhiệt vẫn đắt đối với người tiêu dùng, vì vậy doanh nghiệp đang giảm sản lượng, lạm phát đang tăng nhanh (đặc biệt là ở Đông Âu, nơi năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí) và ở Anh, các công ty năng lượng địa phương đang nói với người tiêu dùng rằng “hãy sưởi ấm bàn tay trên con mèo”.
Giờ đây các hãng vận chuyển khí đốt của Mỹ đã ở đúng nơi và vào đúng thời điểm, điều này có thể giúp giảm thiểu diễn biến của cuộc khủng hoảng năng lượng. Liệu các nhà cung cấp của Mỹ có thể làm việc theo chế độ tương tự trong những tháng tới và điều này có nghĩa là giá khí đốt ở EU sẽ tiếp tục giảm?
Có những nghi ngờ về điều này vào lúc này. Trước hết, nhu cầu về khí đốt đang tăng lên ở chính nước Mỹ. Một đợt lạnh giá ở bờ Đông Mỹ đã đẩy giá tăng 27% lên khoảng 166 USD/nghìn mét khối. Tất nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều lần so với châu Âu, nhưng chi phí vận chuyển cao và sự cạnh tranh từ người tiêu dùng châu Á vẫn còn.
Mới đây, trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 12/1, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho hay lượng dự trữ khí đốt trong các kho chứa dưới lòng đất (UGS) ở châu Âu cho mùa này đang ở mức thấp nhất trong lịch sử quan sát nhiều năm.
Trong khi lượng khí đốt được rút ra đã vượt 1/2 tổng khối lượng được bơm vào năm ngoái. Theo đó, tính đến ngày 10/1, lượng khí đốt rút ra tại các kho chứa UGS ở châu Âu đạt 55,6% hoặc tương đương với 26,6 tỷ m3 khí đốt.
Theo số liệu của Gas Infrastructure Europe, tổng lượng lấp đầy các cơ sở UGS ở châu Âu tính đến ngày 10/1 đã giảm xuống còn 50,88% và hiện ở mức 54,93 tỷ m3 - tức ít hơn khoảng 18 tỷ m3 so với hồi năm ngoái.
Các chuyên gia nói gì về tình hình thị trường khí đốt châu Âu
Theo nhà phân tích Sergei Kaufman của Finam, tình hình ưu tiên của LNG Mỹ có tính chất địa phương và có liên quan đến việc giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt.
Các nước châu Âu có nguy cơ cạn nguồn khí đốt tự nhiên trong 2 tháng tới do thời tiết lạnh giá và lượng khí đốt trong kho dự trữ xuống thấp. (Ảnh: Nord Stream 2) |
“Hiện tình hình đã trở lại bình thường, giá ở châu Á lại cao hơn châu Âu, điều này có thể làm giảm dòng chảy của LNG sang châu Âu và phục hồi nhu cầu về khí đốt của Nga. Nhu cầu nội địa cũng giảm do giá vẫn cao bất thường và thời tiết ôn hòa trong khu vực”, ông Kaufman cho biết.
“Ngay bây giờ, LNG từ Mỹ thực sự là một trong những thủ phạm chính của việc thiếu nguồn cung, nhưng tình trạng này sẽ không bền vững. Thứ nhất, châu Á vẫn là điểm đến ưu tiên của LNG Mỹ. Thứ hai, một số hợp đồng của Gazprom có cấu trúc “lấy hoặc trả”, theo đó, việc không tiếp tục mua khí đốt của Nga đơn giản là không có lợi. Thứ ba, cho đến nay khối lượng LNG của Mỹ quá nhỏ để có thể thay thế khí đốt của Nga khỏi thị trường châu Âu”, nhà phân tích của Finam nhận định.
Ông Marcel Salikhov, Giám đốc Quỹ “Viện Năng lượng và Tài chính” (IEF) trong cuộc trò chuyện với Izvestia, lưu ý rằng vào giữa tháng 12 năm ngoái, giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã vượt quá giá khí đốt giao ngay ở châu Á. Điều này đã kích thích các nhà cung cấp định hướng lại dòng khí đốt không quá thu hẹp vào thị trường châu Âu.
“Theo dữ liệu lưu lượng tàu chở dầu, các chuyến hàng LNG từ Mỹ đến Châu Âu đạt tổng cộng 3,3 triệu tấn trong tháng 12 năm ngoái. Dự kiến sẽ giao tối đa gần 4 triệu tấn vào tháng Giêng”, ông Salikhov nói.
Bên cạnh đó, ông Salikhov thừa nhận khả năng giá khí đốt tiếp tục giảm với điều kiện: nếu có một mùa đông ấm áp và lượng LNG tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra. Các thị trường tương lai kỳ vọng giá tương đối cao (trên 800 USD/nghìn mét khối) sẽ tiếp tục trong suốt năm 2022. Trở lại vào đầu tháng 12 năm ngoái, thị trường dự kiến giá sẽ giảm xuống còn 500-600 USD/nghìn mét khối vào mùa hè năm 2022. Tuy nhiên, vào tháng 12, kỳ vọng của thị trường đã thay đổi khá nghiêm trọng và giờ đây, dự kiến chỉ có một đợt giảm giá đáng kể vào năm 2023.
Nhà kinh tế của IEF nhấn mạnh rằng, tình hình xung quanh thời điểm vận hành dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) cũng không chắc chắn, điều này làm gia tăng căng thẳng thị trường và góp phần làm cho mặt bằng giá cao hơn. Theo ông, chính phủ mới của Đức sẵn sàng chống lại việc đưa đường ống dẫn khí đốt vào hoạt động.
Thanh Bình (lược dịch)
Nỗi lo về khí đốt vẫn tồn tại ở châu Âu
Các cuộc bạo loạn ở Kazakhstan là tâm điểm chú ý trong tuần đầu tiên của tháng Giêng.