Hé lộ mức doanh thu dự kiến từ dầu khí của Nga năm 2022
Bloomberg ước tính, bất chấp tình hình xung quanh Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga có thể kiếm được hơn 320 tỉ USD từ xuất khẩu dầu và khí đốt năm 2022.
Cụ thể, các nhà phân tích của Bloomberg Economics tính toán đến cuối năm 2022, Nga có thể kiếm được khoảng 321 tỉ USD từ xuất khẩu dầu và khí đốt.
Các chuyên gia cho biết, kết quả như vậy là có thể xảy ra bất chấp tình hình xung quanh Ukraine và các lệnh trừng phạt được áp đặt nhằm đáp trả hoạt động quân sự đặc biệt của Nga.
Lệnh cấm đối với dầu của Nga được dự báo sẽ tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi toàn cầu. (Ảnh: RIA) |
Bên cạnh đó, các chuyên gia của Viện Tài chính Quốc tế Washington (IIF) cũng đưa ra kết luận tương tự.
“Thặng dư từ tài khoản vãng lai của Nga vẫn mạnh mẽ. Nếu các biện pháp trừng phạt hiện tại được duy trì, một dòng tiền mạnh đáng kể vào Nga vẫn sẽ tiếp tục”, Bloomberg dẫn báo cáo của IIF.
IIF kỳ vọng thặng dư từ tài khoản vãng lai của Nga sẽ đạt mức kỷ lục 240 tỉ USD năm 2022.
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) dự báo thặng dư là 205 tỉ USD trong năm nay, có thể cho phép Ngân hàng trung ương Nga đáp ứng nhu cầu ngoại hối của khu vực tư nhân và cuối cùng là nới lỏng kiểm soát vốn.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu TS Lombard dự đoán rằng, sự kết hợp giữa việc đồng ruble mất giá mạnh và giá dầu tăng sẽ mang lại thêm 8,5 nghìn tỉ ruble (103 tỉ USD) cho ngân sách Nga.
“Một bảng cân đối kế toán lành mạnh sẽ giúp chính phủ Nga duy trì chi tiêu công trong trường hợp không có khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế, mặc dù nó sẽ không cứu được Nga khỏi suy thoái sâu”, các chuyên gia cho biết.
Theo Bloomberg, chỉ một lệnh cấm vận năng lượng đối với một phần của các nhà nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất của Nga mới có thể thay đổi tình hình với sự tăng trưởng thu nhập từ dầu khí của Nga. Trong khi chỉ một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, hạn chế nguồn cung, thì nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức tiếp tục phản đối các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga.
“Nguồn thu từ bán hydrocacbon là cứu cánh cho nền kinh tế Nga, giúp giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt cứng rắn và ngăn chặn khủng hoảng cán cân thanh toán. Nhưng ngay cả khi không có lệnh cấm vận năng lượng, lạm phát vẫn đang tăng vọt và một cuộc suy thoái sâu đang xuất hiện”, ông Scott Johnson, nhà phân tích của Bloomberg Economics nhận định.
Theo ông Madina Khrustaleva, một chuyên gia từ tổ chức tư vấn TS Lombard có trụ sở tại London, các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ phá hủy “bộ phận phi năng lượng” của nền kinh tế Nga, do đó “Nga sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng”.
Trước đó, theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), suy giảm tăng trưởng tại Nga sẽ còn kéo dài trong nhiều năm, nhưng hệ thống tài chính của nước này đã chống chọi được với cú sốc cấm vận từ bên ngoài.
Kinh tế Nga dự báo sẽ tăng trưởng âm 10% trong năm nay do cuộc chiến ở Ukraine cùng với lệnh trừng phạt của phương Tây chống Moscow, gây ra kỳ suy thoái mạnh nhất tại Nga kể từ đầu những năm 1990.
Đồng thời, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2023 cũng ở quanh mức 0% và Nga sẽ phải đối diện với tăng trưởng thấp trong dài hạn.
Nguyên nhân chính là bởi các nhà nhập khẩu giảm lượng mua dầu thô, khí đốt từ Nga, giới đầu tư nước ngoài từ rời khỏi thị trường Nga, trong khi một bộ phận nguồn nhân lực trẻ tuổi, được đào tạo rời khỏi Nga, định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, EBRD cũng lưu ý hệ thống tài chính Nga cho đến thời điểm này đã chống chọi tương đối tốt cú sốc từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thanh Bình (lược dịch)
Tình hình Nga-Ukraine: Ông Tập Cận Bình kêu gọi không ‘thổi phồng’ cuộc khủng hoảng Ukraine
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi xem xét tình trạng phù hợp cho cuộc khủng hoảng Ukraine mà không có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong đó.