Hàng chục máy bay chở khách suýt thành 'nạn nhân' của tên lửa bị phóng nhầm
Hàng chục máy bay chở khách hoạt động trên không phận Ấn Độ và Pakistan suýt trở thành "nạn nhân" của quả tên lửa bị phóng nhầm.
Hàng chục chiếc máy bay thương mại suýt trở thành nạn nhân của quả tên lửa mà Ấn Độ không may phóng nhầm vào tuần trước và rơi xuống lãnh thổ Pakistan.
Theo Bloomberg, trong số hàng chục máy bay chở khách hoạt động trên cùng bầu trời với quả tên lửa mà Ấn Độ phóng nhầm, một số máy bay đã bay đúng quỹ đạo trực tiếp của tên lửa gồm máy bay của hãng Flydubai từ Sialkot tới Dubai, máy bay của IndiGot từ Srinagar tới Mumbai, và máy bay của hãng Airblue từ Lahore tới Riyadh.
Hiện trường tên lửa bị Ấn Độ phóng nhầm rơi xuống Pakistan. (Ảnh: Reuters) |
Tên lửa bị Ấn Độ lỡ phóng từ thị trấn Ambala của nước này và rơi xuống khu vực Mian Channu, phía đông Pakistan và nằm cách thủ đô Islamabad 500 km.
Ngoài ra, các chuyến bay quốc tế bay sát và trong phạm vi quỹ đạo bay của tên lửa Ấn Độ còn có máy bay của hãng Kuwait Airways cất cánh từ thành phố Kuwait tới thành phố Quảng Châu của Trung Quốc, máy bay của hãng Saudi Arabian Airlines từ New Delhi tới Riyadh, và máy bay của Qatar Airways từ Kathmandu tới Doha.
Đáng nói, vào thời điểm tên lửa Ấn Độ bị phóng nhầm có khả năng gây nguy hiểm cho hàng chục máy bay thương mại, không có bất cứ cảnh báo nào được gửi tới các phi công đang điều kiển máy bay hoạt động sát đường bay của tên lửa.
Theo đoạn video được Flightradar24 công bố, nhiều máy bay đã di chuyển trên bầu trời trong khoảng thời 1,5 giờ đồng hồ tính từ lúc 19h (giờ địa phương) ngày 9/3, thời điểm Ấn Độ cho là lúc tai nạn phóng nhầm tên lửa xảy ra.
Sau sự cố, hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhấn mạnh các quy trình kiểm soát tên lửa của Ấn Độ đang được tái xem xét, và sẽ được tăng cường thêm.
“Vô cùng đáng tiếc. Chuyện này có thể dẫn tới thảm họa nếu như tên lửa bắn trúng máy bay của Pakistan”, ông Mark Martin, nhà sáng lập công ty tư vấn Martin Consulting ở Dubai cho hay.
“Mối quan ngại lớn hơn là việc Pakistan đưa ra phản ứng thù địch. Chuyện này có thể dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện”, ông Martin nhấn mạnh.
Vụ phóng nhầm tên lửa của Ấn Độ làm nhiều người liên tưởng tới thảm kịch của chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines vào năm 2014. Theo đó, tên lửa của một đơn vị quân sự Nga đã không may tấn công trúng máy bay của Malaysia Airlines khi đang hoạt động trên không phận Ukraine và khiến toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay thiệt mạng.
Vào năm 2020, Iran cũng không may bắn trúng một máy bay chở khách của Ukraine, do nhầm máy bay là tên lửa hành trình. Hậu quả, 176 người trên máy bay đã tử vong.
Vụ phóng nhầm tên lửa vào tuần trước của Ấn Độ suýt chút nữa còn dẫn tới thảm kịch, do Pakistan cũng đã chuẩn bị phóng tên lửa đáp trả Ấn Độ.
Phát biểu hôm 10/3, phát ngôn viên quân đội Pakistan Babar Iftikhar nhấn mạnh đường bay của tên lửa Ấn Độ đã gây nguy hiểm cho nhiều máy bay chở khách quốc tế và nội địa hoạt động trên không phận Pakistan và Ấn Độ, cũng như có nguy cơ dẫn tới “thảm họa hàng không quy mô lớn”.
Ông Tariq Zia, phát ngôn viên không quân Pakistan, cho biết tên lửa của Ấn Độ đã đạt độ cao 12.000 m và di chuyển với tốc độ Mach 3 (3.700 km/h). Tên lửa Ấn Độ đã bay vào không phận Pakistan 124 km.
Theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí tại Mỹ, phạm vi hoạt động của tên lửa Ấn Độ là 300 – 500 km. Do đó, nó hoàn toàn có thể tấn công thủ đô Islamabad của Pakistan khi được phóng từ phía bắc Ấn Độ.
Phía Ấn Độ xác nhận tên lửa bị phóng nhầm do “lỗi kỹ thuật” trong quá trình bảo dưỡng. Tuy nhiên, tên của tên lửa không được công bố.
Tướng Mỹ tiết lộ về lần đối mặt giữa tiêm kích F-35 và J-20 của Trung Quốc
Tướng không quân Mỹ nhận định dàn tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc đang được sử dụng để chiếm ưu thế trên không.
Minh Thu (lược dịch)