Hải quân Mỹ quyết mở rộng mạng lưới kiềm tỏa Trung Quốc
Bộ trưởng Hải quân Mỹ khẳng định sẽ cho thành lập Hạm đội 1 chuyên trách ở Ấn Độ Dương, khu vực mà Trung Quốc cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 2/12, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite cho hay sẽ phân bổ lại hoạt động của Hạm đội 7 vốn đặt trụ sở ở thành phố Yokosuka của Nhật Bản và thành lập Hạm đội 1 để tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Braithwaite đã nói về sự cần thiết phải hồi sinh Hạm đội 1 nhằm cải thiện hoạt động của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite (ở giữa) trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
“Chúng ta sẽ tái cấu trúc Hạm đội 1 để chuyên đảm trách hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á và hoạt động như một hạm đội viễn chinh”, ông Braithwaite nhấn mạnh thêm, Hạm đội 1 sẽ giống như một lực lượng chỉ huy trên biển nhanh nhẹn và cơ động.
“Hành động này sẽ tái khẳng định những cam kết với các đối tác và đồng minh về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, đồng thời nhắc nhở các đối thủ tiềm tàng về cam kết của Mỹ trong việc hiện diện trên toàn cầu để đảm bảo luật pháp và tự do hàng hải được thực hiện”, Nikkei Asian Review dẫn lời ông Braithwaite.
Bộ trưởng Braithwaite lần đầu tiên nhắc tới việc tái khôi phục Hạm đội 1 là vào tháng 11 nhân hội thảo trực tuyến của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân. Trong phiên điều trần hôm 2/12, ông Braithwaite nhấn mạnh “quyết định đã được đưa ra” để thành lập hạm đội mới.
Cũng theo ông Braithwaite, Hạm đội 7 đang phụ trách khu vực trải dài từ Hawaii đến biên giới Ấn Độ - Pakistan bao gồm vùng lãnh thổ trên biển của 36 quốc gia. Hạm đội 7 đang phải đối mặt với “những thách thức vô cùng lớn” để hoàn thành nhiệm vụ trên khu vực quá rộng lớn. Do đó, khu vực này cần được phân chia để 2 hạm đội đảm trách.
Bộ trưởng Braithwaite cũng cho biết, “không nhất thiết phải lấy tàu chiến từ Hạm đội 7 hoặc Hạm đội 3, mà dàn tàu chiến của Hạm đội 1 sẽ là một sự chia sẻ giữa các hạm đội”. Ngoài ra, Hạm đội 1 sẽ thuộc sự chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii.
Khi được hỏi ít nhất trong giai đoạn ban đầu, Hạm đội 1 sẽ hoạt động như một hạm đội viễn chinh không có trụ sở trên đất liền, ông Braithwaite trả lời “Đúng như vậy”.
Trong tháng 11, ông Braithwaite từng cho hay khả năng Singapore có thể là nơi điều hành đội tàu của Hạm đội 1. Song trong phiên điều trần hôm 2/12, ông Braithwaite không nhắc tới căn cứ trong tương lai của Hạm đội 1.
“Chúng tôi vẫn đang đánh giá xem đâu sẽ là nơi hạm đội bắt đầu triển khai hoạt động. Nhưng hoạt động sẽ chủ yếu tập trung ở Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương”, ông Braithwaite cho biết.
Hồi tháng 11, Bộ Quốc phòng Singapore tuyên bố cơ quan này chưa tham vấn với phía Mỹ về việc trở thành nơi đặt hạm đội mới của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Singapore cho biết thêm, thỏa thuận với Mỹ ký năm 2012 chỉ cho phép triển khai luân phiên 4 tàu chiến ven biển của Mỹ ở Singapore. Bộ Quốc phòng Singapore và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chưa có thỏa thuận mới về việc triển khai thêm tàu chiến Mỹ đến Singapore.
Ấn Độ Dương là nơi hoạt động của nhiều tuyến đường thương mại quốc tế quan trọng khi có tới 80% hoạt động thương mại đường biển đi qua khu vực này. Ngoài ra, 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, khu vực bận rộn nhất trên Ấn Độ Dương, theo một phân tích của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator.
Ông Song Zhongping, cựu huấn luyện viên của Quân đoàn Pháo binh số 2 thuộc quân đội Trung Quốc từng nhận định, sự xuất hiện của một hạm đội mới của Mỹ trên Ấn Độ Dương có thể ảnh hưởng lớn tới tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.
“Trung Quốc phụ thuộc lớn vào Ấn Độ Dương hơn là Tây Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của hạm đội hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương sẽ giống với việc bóp cổ Trung Quốc. Nói cách khác, hạm đội này sẽ gây ảnh hưởng tới các lợi ích phát triển của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng năng lượng và đầu tư vào các dự án vành đai và con đường”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Song.
Hé lộ danh tính Tướng hải quân Mỹ 'bí mật' tới thăm Đài Loan
Một quan chức hải quân chuyên giám sát hoạt động tình báo quân đội Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bí mật tới thăm Đài Loan hôm 22/11.
Minh Thu (lược dịch)