Dự báo về giá dầu của ông Putin khiến nhiều quốc gia lo ngại
Theo Bloomberg, tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về khả năng giá dầu tăng lên 100 USD/thùng đã khiến Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ lo ngại.
Theo các tác giả của bài báo, sau tuyên bố này, các nước này bắt đầu gây áp lực ngoại giao mạnh nhất trong những năm gần đây đối với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+) để tăng cường khai thác.
“Chính quyền ông Biden ngày càng lo ngại về sự gia tăng giá xăng dầu, vốn đã đạt mức cao nhất trong 7 năm. Trong vài tuần nay, họ đã thúc giục OPEC+ gia tăng sản xuất”, Bloomberg cho biết.
Theo các nhà quan sát, Nhật Bản đã thực hiện một bước hiếm hoi là tham gia quá trình này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn im lặng, nhưng có chung quan điểm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định giá dầu thô tại Mỹ có thể tăng lên mức 100 USD/thùng. (Ảnh: RIA) |
“Các quan chức từ Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã nói chuyện riêng với nhau, cũng như đã liên hệ với các nước tiêu thụ và xuất khẩu dầu lớn khác. Các cuộc gọi bắt đầu khoảng 3 tuần trước, nhưng đã tăng cường trong những ngày gần đây sau khi giá tăng lên 85 USD/thùng”, Bloomberg cho biết.
Một số thành viên của OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu trước đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cẩn trọng về tốc độ gia tăng sản lượng nhiên liệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính những nhận định này đã làm tăng giá dầu.
Do nhu cầu dầu giảm vì đại dịch Covid-19 gây ra, OPEC+ đã giảm khai thác 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5 năm ngoái. Khi tình hình ổn định, các điều khoản của thỏa thuận đã được điều chỉnh. Và kể từ tháng 8/2021, liên minh này đã tăng sản lượng lên 400 nghìn thùng/ngày mỗi tháng, đồng thời hy vọng sẽ rút dần khỏi các nghĩa vụ vào cuối tháng 9/2022.
Dự báo của ông Putin
Vào giữa tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng, giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng. Theo ông Putin, Nga không tìm cách hạn chế sản xuất dầu để chi phí “đội lên trời”.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho hay, tất cả các hành động trên thị trường năng lượng phải “minh bạch và cân bằng”. Chính trị gia nói thêm rằng, ông không thảo luận về giá dầu với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng các liên hệ vẫn được duy trì ở cấp chính quyền.
Ngoài ra, ông Putin cũng cảnh báo về tình trạng cạn kiệt dầu mỏ. Theo nhà lãnh đạo Nga, khi nhu cầu của thị trường thế giới tăng lên, thì đơn giản sẽ không có nơi nào để lấy dầu. Ông Putin nhấn mạnh rằng, OPEC+ đang tăng khối lượng sản xuất, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể làm điều này một cách nhanh chóng.
“Không phải tất cả các nước sản xuất dầu đều có thể tăng nhanh sản lượng. Đây là một quá trình lâu dài và là chu kỳ lớn”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Đầu tháng 10, OPEC và các nước đồng minh nằm ngoài tổ chức (hay còn gọi là nhóm OPEC+) đã quyết định không thay đổi sản lượng bất chấp áp lực từ các quốc gia khác. (Ảnh: RIA) |
Cũng theo ông chủ Điện Kremlin, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu hiện nay là do hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo sụt giảm vào mùa hè và nguồn cung từ các đối tác khác bị cắt giảm, trong đó có Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Putin đề nghị tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong động thái nhằm giúp ổn định giá cả. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ trích Moscow cố tình cung cấp khí đốt dưới mức nhu cầu thị trường nhằm gây ra cuộc khủng hoảng, từ đó nêu bật sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung từ Nga.
Lý do tăng giá dầu
Vào ngày 25/10, giá dầu thô WTI đã lập kỷ lục, lần đầu tiên vượt 85 USD/thùng kể từ tháng 10/2014. Theo Reuters, kỷ lục này được thúc đẩy bởi nguồn cung toàn cầu thu hẹp và nhu cầu nhiên liệu gia tăng ở Mỹ và các nước khác khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Thế giới (WB) gọi việc sử dụng dầu thay thế cho khí đốt tự nhiên là nguyên nhân chính làm tăng giá và nhu cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá năng lượng đã tăng mạnh trong quý 3/2021 và sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022.
“Giá dầu sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trên thế giới và có thể dẫn đến sự chuyển dịch tăng trưởng kinh tế từ các nước nhập khẩu năng lượng sang các nước xuất khẩu”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Dự báo lạc quan
Ngân hàng Thế giới dự kiến giá dầu sẽ đạt 70 USD/thùng vào cuối năm 2021 và 74 USD vào năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu tăng như hiện nay.
Ông Marcel Salikhov, Giám đốc Quỹ “Viện Năng lượng và Tài chính” (IEF) lưu ý rằng, do nguyên liệu thô từ đá phiến của Mỹ không thể cân bằng giữa sự tăng trưởng nhu cầu và giá dầu, khiến giá thành của một thùng có khả năng tiếp tục tăng.
Theo ông, giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục hiện nay khiến cho việc sử dụng dầu nhiên liệu và dầu diesel tạo ra lợi nhuận, điều này tạo ra nhu cầu bổ sung về dầu và dẫn đến sự tăng giá trong ngắn hạn.
“Rất có thể trong những tháng tới, giá dầu có thể tiếp cận hoặc đạt mức 100 USD/thùng”, ông Salikhov nói.
Theo ông Dmitry Marinchenko, Giám đốc nhóm tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa tại Fitch, giá dầu có thể lên tới 100 USD/thùng. Đồng thời, ông nói thêm rằng, mức độ tăng giá khó có thể duy trì trong một thời gian dài.
Ông Marinchenko nói thêm, hiện nay đang thiếu dầu trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu dần phục hồi và OPEC+ thận trọng trong việc tăng sản lượng. Theo ông, OPEC+ sẽ phải gia tăng sản lượng để cân bằng thị trường.
Phó Tổng thống Mỹ Harris tiêm liều vắc xin Covid-19 mũi 3
Nhà Trắng thông báo, hôm 30/10, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã được tiêm liều tăng cường vắc xin Covid-19 của Moderna.
Thanh Bình (lược dịch)