Giá khí đốt ở châu Âu giảm mạnh sau chỉ thị của Tổng thống Putin
Theo dữ liệu của sàn chứng khoán London ICE, giá khí đốt tại châu Âu giảm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho tập đoàn Gazprom tăng nguồn cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, giá khí đốt hôm 27/10 giảm từ 1.041 USD/nghìn mét khối xuống còn 1.008 USD/nghìn mét khối. Trong ngày, giá khí đốt cũng đã giảm hơn 4%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Gazprom tăng khối lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ ở châu Âu. (Ảnh: RIA) |
Mệnh lệnh của Tổng thống Putin
Hôm 27/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho tập đoàn Gazprom tăng khối lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ ở châu Âu, điều này sẽ giúp ích cho các quốc gia châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Gazprom sẽ bắt đầu cung cấp cho châu Âu sau khi khí đốt được bơm vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Nga.
Theo Tổng thống Nga, khối lượng nhiên liệu bổ sung sẽ ổn định làm giá cả trên thị trường năng lượng châu Âu.
Người đứng đầu tập đoàn Gazprom, ông Alexei Miller, cho biết công ty sẽ hoàn thành việc bơm khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của Nga trước ngày 8/11.
Khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu
Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi giá nhiên liệu tăng lên ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Chi phí khí đốt cao đã khiến các chính phủ và các công ty chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu khác, dẫn đến giá các nguồn năng lượng khác cũng cao hơn. Vào đầu tháng 10, giá gas đã đạt mức 2.000 USD/nghìn mét khối, nhưng sau đó đã giảm.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Slovenia Ernej Vrtovec, người chủ trì cuộc họp của Hội đồng EU đã tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. Chính trị gia cho rằng, các nước trong khối nên sử dụng năng lượng hạt nhân để đảm bảo độc lập về năng lượng. Các nguồn thay thế, theo Bộ trưởng, sẽ không đủ.
Ông Vrtovec lưu ý rằng, cần nhiều hơn nữa các khoản đầu tư công và tư vào phát triển năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson cho hay, châu Âu cần ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu khí đốt và sử dụng tích cực hơn các nguồn năng lượng khác. Để đạt được mục tiêu này, bà Simson đề nghị đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển năng lượng xanh.
Bà Simson hứa sẽ cung cấp một danh sách các quy tắc mới vào cuối năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy các nước trong khối nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
“Chúng ta phải hành động và thực hiện các biện pháp phù hợp để không chỉ bảo vệ người châu Âu, mà còn tạo điều kiện cho an ninh năng lượng mạnh mẽ hơn trong thế giới năng lượng sạch của tương lai”, Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của EU nói.
Châu Âu cần cứu trợ?
Theo Bloomberg, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Na Uy Equinor sẽ cứu trợ châu Âu trong bối cảnh thiếu nhiên liệu. Các chuyên gia cho rằng, đây là một đối thủ cạnh tranh lớn của Gazprom sẽ tăng cường cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu.
Mùa Đông năm nay, châu Âu sẽ phải đương đầu với tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng. (Ảnh: Reuters) |
Quyền Tổng giám đốc của Ukrtransgaz - đơn vị điều hành các kho ngầm lưu trữ khí đốt (UGS) Ukraine Sergei Pereloma cho biết, công ty này đề nghị các nước châu Âu sử dụng UGS của mình để dự trữ nhiên liệu chiến lược.
“Chúng tôi sử dụng khoảng 60% công suất của UGS để đáp ứng nhu cầu khí đốt của Ukraine. Phần còn lại của khối lượng có thể được sử dụng để làm việc với các đối tác nước ngoài và giải quyết các vấn đề chiến lược của thị trường năng lượng Ukraine cũng như Châu Âu”, ông Pereloma nói.
Ông Pereloma nói thêm rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kỳ tiêu thụ cao điểm, các quốc gia châu Âu nên có 25-30% lượng khí đốt trong kho hàng năm, nhưng không phải tất cả các quốc gia đều có công suất UGS cần thiết.
Dự báo
Theo các nhà phân tích tại Bloomberg, các nước châu Âu sẽ phải sử dụng nhiên liệu của nhau trong một nỗ lực để cứu người dân khỏi “đóng băng” vào mùa đông này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các cơ sở lưu trữ khí đốt ở “lục địa già” đã đầy 71%, trong khi thông thường con số này phải nhiều hơn 20%.
Các nhà phân tích cho rằng, trong trường hợp thời tiết lạnh giá như dự báo, chính phủ các nước châu Âu sẽ phải quyết định mức cấm xuất khẩu nhiên liệu.
Việc đưa ra một biện pháp như vậy đã được Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic công bố, ông hứa sẽ cấm xuất khẩu điện “để người dân có cái gì đó giữ ấm”. Các cuộc thảo luận tương tự cũng đang được tiến hành ở Na Uy, nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất ở châu Âu.
Người giàu nhất thế giới nói gì về ‘thuế tỷ phú’ của ông Biden?
Doanh nhân người Mỹ Elon Musk, người đứng đầu bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes tuần này mới đây đã chỉ trích “thuế đánh vào tỷ phú” do đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đề xuất.
Thanh Bình (lược dịch)