Chuyên gia phân tích 'sự trỗi dậy mạnh mẽ' của Moscow
Theo CNN, các nước phương Tây với phản ứng khá chậm chạp trước sự ảnh hưởng của Nga và không muốn hiểu ý đồ của ông Putin, đã cho phép Moscow ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
CNN dẫn lời cựu Tư lệnh các lực lượng phòng thủ Estonia, Tướng Riho Terras, người đã so sánh nhà lãnh đạo Nga với một “chiến binh đường phố”. “Mỗi khi có cơ hội, ông ấy đều nắm lấy. Phương Tây đang cố gắng trượt băng, trong khi chính ông Putin đang chơi khúc côn cầu”, ông Terras nói.
Các phân tích lưu ý rằng, một lần nữa Tổng thống Putin tỏ ra vững tin vào sức mạnh của mình trong cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, khi giá khí đốt tự nhiên vọt lên cao kỷ lục. Khủng hoảng năng lượng bộc lộ rõ thứ vũ khí cực kỳ lợi hại giúp Nga giành lợi thế đáng kể trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters) |
“Điện Kremlin dường như không còn tìm kiếm sự chấp thuận từ phương Tây, điều đã cho phép sự gia tăng tính hiếu chiến của Moscow”, bình luận viên Luke McGee của CNN nhận định.
Trong khi đó, ông Oleg Ignatov, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Đương đại có trụ sở ở Moscow chỉ ra rằng, châu Âu và phương Tây cần phải suy nghĩ lại về chính sách của họ trong nhiều lĩnh vực: từ năng lượng và sự can thiệp nước ngoài cho đến xây dựng nhà nước.
“Mười năm trước, lập luận này mang tính phòng thủ nhiều hơn bởi Điện Kremlin muốn bảo vệ mình khỏi những lời chỉ trích từ phía các chính phủ phương Tây hoặc các tổ chức phi chính phủ. Nhưng bây giờ Nga có thể xác nhận rằng chính sách của phương Tây đã thất bại ở Libya, Syria và mới đây nhất là ở Afghanistan, chứng tỏ rằng cách tiếp cận của Nga thực sự đúng đắn”, chuyên gia Nga giải thích.
Ngoài ra, theo ông Cyrus Giles, chuyên gia cao cấp về chương trình Nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House, “Nga đang trở nên cởi mở và thẳng thắn hơn. Khi Moscow sử dụng cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu để đảm bảo chứng nhận cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), hoặc khi nước này cắt đứt mọi quan hệ còn lại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều này được thực hiện một cách công khai và Moscow không còn giả vờ tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây nữa”.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin ra điều kiện để Moscow hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có ở châu Âu, nói rằng quốc gia của ông có thể tăng nguồn cung khí đốt ngay khi Đức cấp giấy phép cho Nord Stream 2.
Ông Putin khẳng định, tập đoàn năng lượng Gazprom, có thể cung cấp thêm 17,5 tỉ m3 khí đốt thông qua hệ thống ống dẫn Nord Stream 2 vào “ngày kia” nếu dự án này được cấp giấy phép vào “ngày mai”.
Theo Financial Times, con số này tương đương 10% lượng khí đốt được Nga cung cấp cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2020, đồng nghĩa châu Âu sẽ được gia tăng nguồn cung đáng kể giữa lúc giá khí đốt liên tục thiếp lập kỷ lục trong khu vực.
Các nước châu Âu dự báo ‘phong tỏa năng lượng’
Theo Bloomberg, các nước châu Âu có thể ngừng xuất khẩu khí đốt và điện.
Thanh Bình (lược dịch)