Chuyên gia Nhi khoa 'bác' tin đồn vắc xin Covid-19 gây vô sinh, ảnh hưởng dậy thì ở trẻ
Tin đồn về việc tiêm vắc xin Covid-19 có thể gây vô sinh và ảnh hưởng tới quá trình dậy thì của trẻ đã được khoa học chứng minh là vô căn cứ.
Nhóm chuyên gia thuộc Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) nhấn mạnh, những tin đồn cho rằng tiêm vắc xin Covid-19 gây vô sinh đã được khoa học chứng minh là vô căn cứ. Nói cách khác, không có bằng chứng nào chứng minh vắc xin Covid-19 có thể dẫn tới vô sinh và ảnh hưởng tới quá trình dậy thì của trẻ.
Nhiều cha mẹ lo ngại tiêm vắc xin Covid-19 có thể gây vô sinh và ảnh hưởng tới quá trình dậy thì của trẻ. (Ảnh: AP) |
AAP cho biết dù khả năng sinh sản không được nghiên cứu riêng biệt trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin Covid-19, nhưng chưa có ca vô sinh nào được báo cáo trong số những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tiêm vắc xin Covid-19 hoặc trong số hàng triệu người được tiêm phòng kể từ khi các loại vắc xin Covid-19 được cấp phép sử dụng.
AAP cho hay, không có dấu hiệu nào về việc tiêm vắc xin Covid-19 gây vô sinh trên động vật tham gia thử nghiệm vắc xin.
Cũng theo AAP, không có bằng chứng nào cho thấy tiêm vắc xin Covid-19 làm ảnh hưởng tới quá trình dậy thì ở trẻ.
Thông báo của AAP được đưa ra sau khi các bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại về mối liên hệ giữa vô sinh và tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở trẻ em. AAP khẳng định đây là nhận định không có căn cứ khoa học.
Hồi tuần trước, một cuộc điều tra được Quỹ Gia đình Kaiser ở Mỹ công bố cho thấy 66% phụ huynh có con từ 5 – 11 tuổi bày tỏ lo lắng về việc vắc xin Covid-19 có thể gây vô sinh cho con trẻ khi chúng lớn lên.
Song CNN đưa tin, từ lâu, Hội Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG) đã khẳng định vắc xin Covid-19 không phải là nguyên nhân dẫn tới vô sinh đối với người tiêm. Theo ACOG, các tổ chức y khoa hàng đầu cũng nhiều lần xác nhận các loại vắc xin Covid-19 không tác động tới khả năng sinh sản ở con người.
Tiến sĩ Paul Offit, cố vấn vắc xin của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nói với Axios rằng điều cấp bách hiện nay đối với các bậc phụ huynh là đưa con đi tiêm phòng vắc xin Covid-19 nhanh nhất có thể.
CNN đưa tin, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng nhấn mạnh vắc xin Covid-19 không làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới.
Tin đồn từ đâu?
"Quan niệm sai lầm này xuất phát từ một bức thư được gửi cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu, cơ quan tương đương với FDA, cho rằng có sự giống nhau giữa protein gai của SARS-CoV-2 và một loại protein nằm trên bề mặt của tế bào nhau thai được gọi là syncytin-1", CNN dẫn lời ông Offit.
Cũng theo ông Offit, “quan niệm này cho rằng nếu tạo ra phản ứng kháng thể với protein gai của virus corona, chuyện này vô tình tạo ra phản ứng kháng thể với protein syncytin-1 trên bề mặt tế bào nhau thai, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản”.
Ông Offit nhấn mạnh, “Đầu tiên, chuyện này là không đúng. Hai loại protein là hoàn toàn khác nhau. Nói chúng giống nhau thì không khác gì nói tôi và bạn có mã số an sinh xã hội giống nhau chỉ vì đều có số 5. Do đó, ngay từ đầu quan niệm này đã là sai”.
“Nếu kháng thể sinh ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản, tỷ lệ sinh đẻ lẽ ra phải giảm, nhưng chuyện này lại không xảy ra. Tỷ lệ sinh thực tế lại tăng nhẹ”, ông Offit nói thêm.
Tiến sĩ Peter Marks, người đứng đầu ban vắc xin của FDA, cũng đã có tuyên bố bác bỏ mối lo giữa vắc xin và khả năng sinh sản trong cuộc họp báo hồi tuần trước.
"Các loại vắc xin đã được đánh giá trong nhiều nghiên cứu trước khi được đưa vào tiêm thử nghiệm và tiêm cho hàng triệu người. Không có bằng chứng nào cho thấy, các loại vắc xin gây ra tác dụng phụ đối với khả năng sinh sản. Không có lý do gì để nghi ngờ vắc xin sử dụng công nghệ mRNA sẽ gây ra vô sinh ", ông Marks cho hay.
Hiện nay 2 loại vắc xin Covid-19 là Pfizer và Moderna đều dùng công nghệ mRNA.
Hai vắc xin này sử dụng vật liệu di truyền được gọi là RNA thông tin hay mRNA để hướng dẫn các tế bào của cơ thể tạo ra một phần nhỏ protein gai của virus corona, để từ đó huấn luyện cơ thể nhận ra và tấn công protein này.
Tiến sĩ Marks giải thích thêm: "Các loại vắc xin khi đi vào tế bào, tế bào sẽ tạo ra protein trên bề mặt trong một khoảng thời gian ngắn. Khi đó cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch. Thành phần mRNA trong vắc xin sẽ bị suy thoái. Do đó, nó không thể kết hợp vào vật chất di truyền của cơ thể con người”.
Đây không phải là lần đầu tiên các loại vắc xin bị nghi ngờ có thể gây vô sinh cho trẻ em. Trong chiến dịch tiêm phòng bại liệt vào những năm 1990 - 2000 tại Nigeria, nhiều cộng đồng đã phản đối vì có tin đồn cho rằng vắc xin này được tiêm nhằm triệt sản để giảm dân số.
Ngay cả tại Mỹ, mối lo về việc vắc xin HPV dẫn tới hội chứng suy buồng trứng nguyên phát và gây vô sinh cũng từng xuất hiện. Song nhiều nghiên cứu quy mô lớn đã chứng minh tin đồn này là không đúng sự thật.
CDC khuyến nghị tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. (Ảnh minh họa) |
Tiêm Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Còn vào ngày 2/11, CDC chính thức thông qua khuyến nghị tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Pfizer trở thành vắc xin Covid-19 đầu tiên được Mỹ cấp phép sử dụng cho nhóm trẻ trong độ tuổi này.
Tổng thống Joe Biden cho biết thêm, việc tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi sẽ được tiến hành ngay trong những ngày tới.
Đối với trẻ từ 5 – 11 tuổi, FDA cấp phép tiêm liều lượng 10 microgram với 2 mũi cách nhau 3 tuần. Liều lượng 10 microgam chỉ bằng 1/3 so với nhóm từ 12 tuổi trở lên.
Cả Pfizer và BioNTech khẳng định quá trình thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin Covid-19 của hãng đạt hiệu quả 90,7% trong việc ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus corona ở trẻ từ 5 – 11 tuổi.
Vắc xin Covid-19 Pfizer được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ vào tháng 12/2020 để tiêm cho người từ 16 tuổi.
Mỹ bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi hồi tháng Năm. Theo CDC, độ phủ vắc xin trong nhóm 12 – 17 tuổi là thấp hơn so với nhóm cao tuổi hơn.
Mỹ hiện có khoảng 58% dân số đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với Anh và Pháp. Nhiều người trưởng thành ở Mỹ vẫn chần chừ chưa đi tiêm vắc xin Covid-19, do đó việc tiêm phòng ở trẻ nhỏ được cho sẽ gặp khó khăn hơn do cần sự chấp thuận của bố mẹ và người giám hộ.
Đại dịch Covid-19 toàn cầu sắp bị 'xóa sổ'?
Giới chuyên gia nhận định, viễn cảnh tương lai của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu sẽ dựa vào tình hình tiêm phòng vắc xin ở các nước.
Minh Thu (lược dịch)