Thầy cô giáo tình nguyện dạy ôn thi THPT quốc gia miễn phí
Thí sinh tự do cũng được học miễn phí
Ngay từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ, các thầy cô giáo Trường THPT Lý Thường Kiệt (Gia Lai) đã quyết tâm dành thời gian trong tháng 6 để ôn tập cho học sinh miễn phí.
Cô Hiệu trưởng Trần Thị Châu chia sẻ: Với đặc thù đầu vào thấp, học sinh chiếm đến 74% là người dân tộc, đời sống rất khó khăn nên nếu không có giải pháp này, chắc chắn các em không thể đến trường.
Trước kỳ thi THPT quốc gia 2016, sau khi tổng kết năm học, 212 học sinh lớp 12 của trường THPT Lý Thường Kiệt chính thức bước vào giai đoạn ôn tập hè và không phải đóng bất kỳ khoản phí nào. Hiện trường tổ chức học kín từ thứ 2 đến thứ 6 với 6 môn, mỗi môn học một buổi trong 3 tiết.
“Biết thông tin nhà trường dạy miễn phí, một số thí sinh tự do cũng đến đăng ký học và chúng tôi sẵn sàng nhận. Dù vất vả, nhưng chỉ cần học sinh hăng say, quyết tâm học để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới là các thầy cô vui rồi” – cô Trần Thị Châu chia sẻ.
Còn tại Trường THPT Đỗ Huy Liêu (Nam Định), 40 học sinh lớp 12 có học lực yếu cũng được các thầy cô phụ đạo miễn phí.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Đây là 40 học sinh học lực yếu, có nguy cơ thi THPT quốc gia dưới điểm trung bình. Các em được dạy miễn phí từ giữa tháng 4 đến 25/6, mỗi môn học bố trí một buổi trên tuần.
Giáo viên đến tận nhà đón học sinh đến trường ôn tập
Trường THPT Tôn Đức Thắng (Đức Cơ, Gia Lai) đứng chân trên địa bàn 3 xã IaDin, IaLang, IaKrêl, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, trên 40% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm học 2015-2016, nhà trường có 2 lớp 12 với 69 học sinh. Tuy nhiên, số học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại trường là 85 do có thêm 12 thí sinh tự do.
Theo thầy Hiệu trưởng Trần Văn Lượng, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch, xây dựng và triển khai ôn tập, phụ đạo trên tinh thần đăng ký của học sinh. Riêng 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh, trường vận động 100% học sinh tham gia. Đặc biệt, môn Toán, học sinh yếu kém được phụ đạo 2 tiết/tuần mà không phải đóng phí.
Hưởng ứng phong trào thi đua chuyên đề “Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016” do Sở GD&ĐT phát động, Trường THPT Tôn Đức Thắng đã có nhiều giải pháp tổ chức ôn tập, nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia. Trong đó có việc giao giáo viên cam kết đảm bảo chất lượng theo từng bộ môn, phấn đấu không để điểm liệt, bám sát chương trình ôn tập theo từng nhóm đối tượng.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các tổ bộ môn, giáo viên biên soạn chương trình ôn tập theo định hướng của Bộ GD&ĐT, đồng thời, có tài liệu ôn tập các các đối tượng yếu kém; có kế hoạch, nội dung bài tập và hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Các tài liệu trên được trường phê duyệt trước khi đưa vào giảng dạy.
Nhà trường đồng thời lập bảng theo dõi quá trình học tập, tiến bộ và đề ra mục tiêu phấn đấu cho học sinh, cập nhật sau mỗi lần thi thử (đã tổ chức thi thử lần 1).
Để kết quả ôn tập được tốt, trường họp phụ huynh học sinh quán triệt mục đích, yêu cầu, sự cộng đồng trách nhiệm. Trong đó nhấn mạnh các bậc cha mẹ thường xuyên đôn đốc con em chuyên cần, chăm lo sức khỏe cho các con trong thời gian ôn tập. Thời khóa biểu, mọi thông tin liên quan đến kế hoạch ôn tập, tài liệu được đưa lên website của nhà trường” - Thầy Trần Văn Lượng cho biết.
Từ tháng 5, kết thúc năm học, việc ôn tập học sinh không tập trung, phân tán, công tác quản lý và duy trì sĩ số khá khó khăn. Từ thực tế này, Ban giám hiệu của Trường THPT Tôn Đức Thắng đã thường xuyên gặp gỡ, đôn đốc giáo viên và học sinh; các thầy cô chủ nhiệm cam kết không để học sinh vắng ôn tập vì lý do không có phương tiện đi lại. Giáo viên bộ môn cũng có danh sách, số điện thoại học sinh và phụ huynh để liên lạc.
“Đơn cử như thầy Phan Thế Cường, chủ nhiệm lớp 12A2; không chỉ thường xuyên kiểm tra, liên lạc với học sinh, phụ huynh mà khi thấy vắng ôn tập trên lớp, ngay lập tức thầy đã đến tận nhà để động viên hoặc đưa các em đến lớp nếu em đó không có xe.
Không chỉ các thầy cô trong trường nỗ lực, cố gắng, chúng tôi còn tham mưu, đề xuất cho UBND huyện hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn kinh phí đi lại và ăn ở trong những ngày thi; mức hỗ trợ là 400 nghìn đồng với các em thi cụm địa phương và 800 nghìn đồng với các em thi cụm ĐH” – thầy Trần Văn Lượng chia sẻ.
Hiện nay, hầu hết các trường THPT trên cả nước đều đang tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trước kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều trường lên kế hoạch ôn tập, giao trách nhiệm cụ thể cho ban giám hiệu, giáo viên tham gia dạy ôn tập, giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh, học sinh. Việc tổ chức lớp ôn đều theo hướng phân hóa năng lực học sinh, đảm bảo phù hợp với mục đích là chỉ để xét tốt nghiệp THPT hoặc vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Không ít trường công phu xây dựng chuyên đề riêng cho đối tượng học sinh yếu kém để chống liệt và chương trình nâng cao cho học sinh có nguyện vọng thi để xét tuyển ĐH, CĐ.
Hiếu Nguyễn/Nguồn GDTĐ