Thanh toán tiền mặt hàng trăm tỷ, sao ngăn được rửa tiền?
Lý do thứ nhất theo Luật sư Trương Thanh Đức là do cơ chế quản lý chưa đồng bộ, lý do thứ hai là chúng ta lại đang rất muốn hô hào kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lúc khát vốn như hiện nay, nên việc kiểm soát nguồn tiền có phần lơ là.
Để thực thi luật Phòng, chống rửa tiền, việc đầu tiên là phải có một giải pháp công cụ cho các đơn vị thực hiện. Ngân hàng được xác định là cơ quan đầu mối kiểm soát rửa tiền nhưng năng lực của họ trong việc này lại có hạn.
“Điều quan trọng nhất là Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ rất khó để thực hiện nếu như không có giải pháp công cụ. Chẳng hạn như bản thân ngành ngân hàng là đơn vị đầu mối quan trọng nhất phải thực thi Luật thì đa số các ngân hàng đều chưa có phần mềm kiểm soát những giao dịch đáng ngờ hay những đối tượng khách hàng cần phải sàng lọc theo dõi,” Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Ngân hàng là đơn vị được chỉ định làm đầu mối trong công tác phòng, chống rửa tiền và có trách nhiệm báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho Cục Phòng, chống rửa tiền (thuộc Ngân hàng Nhà nước). Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, bên cạnh ngành ngân hàng, vẫn còn rất nhiều đơn vị, cơ quan khác gần như chưa chịu chấp hành. Chẳng hạn như theo quy định, văn phòng luật sư hay văn phòng công chứng cũng phải tham gia phòng, chống rửa tiền thông qua thực hiện việc báo cáo các giao dịch đáng ngờ nhưng trên thực tế lại chưa có một văn phòng nào có động thái triển khai.
Trong khi đó, nếu chỉ xem xét đến yếu tố rửa tiền thông qua các giao dịch ngân hàng sẽ là một sơ hở rất lớn. Trên thực tế, rửa tiền qua hệ thống ngân hàng có thể có nhưng việc khách hàng trực tiếp giao dịch với ngân hàng cũng chưa thể khẳng định những giao dịch đó đại diện cho các giao dịch rửa tiền.
Giao dịch bằng tiền mặt thì rất khó để ngăn chặn được hoạt động rửa tiền. Ảnh: Internet |
“Nếu như tội phạm đã có mục đích rửa tiền thì chúng sẽ phải tìm mọi cách để xóa dấu vết. Một trong những phương án an toàn nhất là chúng sẽ giao dịch bằng tiền mặt chứ không dại gì đem hàng tỷ đồng vào ngân hàng để ai cũng nhìn thấy có dấu hiệu bất thường, làm như vậy chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, Luật sư Đức nói.
Nghị định số 222/2013/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/3/2014) quy định các giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt trên lãnh thổ Việt Nam, đó là giao dịch chứng khoán và giao dịch tài chính của doanh nghiệp do 2 loại giao dịch này dễ bị tội phạm lợi dụng để “rửa tiền”.
Đối với giao dịch chứng khoán, áp dụng đối với các giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, được thực hiện tại thị trường tập trung. Đối với giao dịch trên thị trường phi tập trung thông qua các giao dịch điện tử, phương thức thanh toán sẽ do người mua và người bán thoả thuận. Còn giao dịch tài chính của doanh nghiệp, bao gồm các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
Và cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014, sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng chống rửa tiền với rất nhiều quy định mới siết chặt các hình thức giao dịch bằng tiền mặt nhằm khắc chế các hành vi rửa tiền.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định siết chặt các giao dịch bằng tiền mặt mới chỉ áp dụng cho một số giao dịch trên thị trường là chưa chặt chẽ.
Theo phân tích của Luật sư Đức: “Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi một cách cơ bản pháp luật về ngân hàng, tức là phải quy định cụ thể giao dịch tiền mặt ở mức bao nhiêu thì bắt buộc phải qua ngân hàng. Còn hiện nay, tình trạng giao dịch bằng tiền mặt lên đến hàng trăm tỷ thì rất khó để ngăn chặn được hoạt động rửa tiền”.
Do đó, giao dịch tiền mặt là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động rửa tiền, điều này mang tính quyết định dẫn đến luật pháp không được thực thi và hoạt động rửa tiền thì vẫn diễn ra khá phổ biến, rất khó quản lý.