Thanh niên đẹp trai, có điều kiện ngoài 30 vẫn không dám yêu ai, lý do nhiều trẻ mắc từ nhỏ
Vì chỉ có 1 tinh hoàn nên nam thanh niên dù cao to, đẹp trai vẫn không dám tìm bạn gái vì sợ bị bạn gái chê.
TS BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng Khoa Thận tiết niệu và Nam học Bệnh viện E Hà Nội chia sẻ anh vừa tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên “cầu cứu” bác sĩ vì bị chứng tinh hoàn ẩn.
Bệnh nhân tên N.H.K, 34 tuổi, ở Hà Nội dù thân hình cao to, đẹp trai lại có công việc ổn định, kinh tế khá giả nhưng anh K. vẫn độc thân. Càng lớn, anh càng tự ti không dám yêu ai vì thiếu 1 bên tinh hoàn.
Một lần anh K. đã đọc trên mạng internet về hiện tượng ẩn tinh hoàn, anh muốn tìm tới bác sĩ nhưng vẫn e ngại. Đến tuổi này, gia đình thúc giục gay gắt, cũng không còn trẻ anh K. mới đến gặp bác sĩ Liên.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ẩn tinh hoàn. Bệnh nhân có tiền sử mổ thoát vị bẹn hai bên.
Bác sĩ Liên nhận định đây là trường hợp khó vì tinh hoàn ẩn tại người có vết mổ cũ, sẹo xấu. Anh K. rất lo lắng chỉ biết nắm tay “Bác sĩ cố gắng giúp em sớm để em về kiếm bạn gái”. May mắn là sau đó cuộc phẫu thuật thành công. Tinh hoàn ẩn đã được đưa về vị trí vốn có của nó.
Trường hợp khác là một nam bệnh nhân 30 tuổi ở Hà Nội cũng đến khám vì cưới vợ được hơn một năm nhưng chưa có con. Bệnh nhân này chỉ có 1 bên tinh hoàn, 1 bên lạc tại ổ bụng. Bác sĩ phát hiện tinh hoàn lạc chỗ đã bị ung thư hoá.
Kết quả chẩn đoán này khiến bệnh nhân sốc vì nghĩ rằng đó là hiện tượng bình thường khi thiếu 1 bên "cà". Bệnh nhân này chia sẻ do không có triệu chứng đặc biệt, một phần vì chủ quan, người bệnh không đi khám.
Tại Trung tâm Nam học, bệnh viện Việt Đức, bác sĩ cũng từng tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 44 tuổi đã có vợ và 3 con. Từ nhỏ, bệnh nhân không thấy tinh hoàn phải trong bìu, tuy nhiên không khám hay điều trị gì. Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân xuất hiện khối đau tức ở hố chậu phải nên đi khám.
Kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện có khối u ở hố chậu phải, kích thước khoảng 7cm, theo dõi u tinh hoàn bên phải. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ khối tinh hoàn bên phải trong ổ bụng.
Theo bác sĩ Liên, tinh hoàn ẩn là những tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai. Trong giai đoạn đầu của thai nhi nam, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Tinh hoàn ẩn là khuyết tật về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới.
Trẻ có tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị có thể gặp các nguy cơ như: ung thư hóa tinh hoàn, vô sinh, thoát vị bẹn, xoắn tinh hoàn hay chấn thương tinh hoàn hoặc tổn thương về tâm sinh lý do không có hay chỉ có một tinh hoàn dưới bìu.
Về nguyên tắc, bác sĩ Liên cho biết phẫu thuật hạ tinh hoàn được tiến hành càng sớm càng tốt, càng giảm các nguy cơ nêu trên. Nếu bệnh nhân chỉ bị ẩn tinh hoàn một bên thì vẫn có khả năng có con.
Khánh Chi