Thanh Hóa: Kết quả 10 năm thực hiện chương trình MTQG về NTM
Bước đầu bắt tay vào xây dựng NTM, Thanh Hóa đã quy hoạch theo vùng để phù hợp cho sự phát triển |
Quy hoạch vùng phù hợp
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành việc rà soát và xây dựng mới nhiều vùng quy hoạch vùng khác nhau.
Trong đó, quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp; quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng; quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung; quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch vùng luồng thâm canh tập trung; quy hoạch tổng thể thủy lợi; quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; quy hoạch bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, khó khăn, biên giới, hải đảo, các khu rừng đặc dụng, khu vực có dân di cư tự do; quy hoạch 3 loại rừng theo hướng cơ bản ổn định diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nâng cao hiệu quả diện tích rừng sản xuất.
Đối với quy hoạch vùng huyện: Đã có 5 huyện được phê duyệt quy hoạch, gồm: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân và Vĩnh Lộc; các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa đang triển khai lập quy hoạch để trình duyệt theo quy định.
Vùng trồng rau an toàn được quy hoạch mang lại thu nhập cao cho các địa phương |
Ngoài ra, tất cả các xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã lập và phê duyệt quy hoạch xã NTM, hoàn thành mục tiêu đề án của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các xã đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng xã NTM cho phù hợp với yêu cầu thực tế tại các địa phương, thực hiện quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định.
Phát triển kinh tế-xã hội
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện, xã; lồng ghép các chương trình, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn nông thôn; huy động cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn của tỉnh Thanh Hóa đã được đầu tư tương đối đồng bộ.
Sau 10 năm, các xã trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo được 13.965 km đường giao thông nông thôn; 1.274 cống tưới tiêu và công trình thủy lợi, 3.892 km kênh mương; 7.286 km đường dây truyền tải điện các loại, 972 trạm biến áp; 12.039 phòng học; 350 công sở xã; 518 trạm y tế xã; 538 trung tâm văn hóa, thể thao xã; 3.431 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản; 506 trung tâm dịch vụ thương mại và chợ nông thôn; chỉnh trang và xây mới 176.055 nhà ở dân cư; 33.548 công trình cấp nước sinh hoạt; 1.960 công trình vệ sinh và xử lý môi trường nông thôn, 550 bãi tập kết rác thải.
Về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, đến hết năm 2018, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 12,72% trong tổng GRDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 2,3%/năm (năm 2018 tăng 2,68%, ước tính năm 2019 tăng 2,7%), sản xuất trồng trọt đạt kết quả cao, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 1,6 triệu tấn.
Phát triển chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn,tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng đàn trâu đạt 198 nghìn con; đàn bò 255 nghìn con; đàn lợn 813,8 nghìn con; đàn gia cầm 19.678 nghìn con; tổng sản lượng thịt hơi đạt 230,9 nghìn tấn.
Về giảm nghèo và an sinh xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 26,96% năm 2010 xuống còn 6,25% năm 2018, bình quân giảm 2,56%/năm (toàn tỉnh 5,84%), ước năm 2019 giảm còn 3,7%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 8,9 triệu đồng năm 2010 lên 32,5 triệu đồng năm 2018, tăng 3,65 lần so với năm 2010 và tăng 1,6 lần so với năm 2015 (toàn tỉnh 36,18 triệu đồng/người), ước tính năm 2019 đạt 37,6 triệu đồng. Có 01/7 huyện (Như Xuân) ra khỏi danh sách huyện nghèo đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a; có 05/100 xã và 55/181 thôn bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Về phát triển giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa: Công tác giáo dục được chú trọng, tỷ lệ trẻ em đến lớp đúng độ tuổi bậc Mầm non và Tiểu học đạt 100%; tỷ lệ phổ cập Tiểu học và THCS đạt 100%; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 được xóa mù chữ đạt 99,39%; có 65,7% trường Mầm non, 84,6% trường Tiểu học, 62,13% trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện có hiệu quả cao.
Xây dựng NTM đưa chất lượng giáo dục được nâng cao, phổ cập các cấp học |
Về công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, tình hình dịch bệnh khi xảy ra được khoanh vùng, kiểm soát kịp thời; toàn tỉnh 87,4% số xã có bác sỹ; có 515 xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011-2020; có 88,67% dân số được tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, tăng 26,67% so với năm 2010 và 18,67% so với năm 2015.
Ngoài ra, về vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn được đảm bảo các khu xử lý chất thải rắn, sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhiều tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, về giữ vững Quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội ở nông thôn được duy trì, tăng cường, đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh có 84% khu dân cư được công nhận an toàn về an ninh trật tự; có 72 mô hình bảo vệ an ninh tổ quốc, tiêu biểu là mô hình: “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”.