Thần đồng Đỗ Nhật Nam chưa từng biết viết trước khi vào lớp 1
" Thần đồng" Đỗ Nhật Nam từng viết chữ ngược |
Chỉ dạy con biết cách cầm sách
Chị Phan Hồ Điệp (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học đặc biệt, trường ĐH sư phạm HN), mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, bày tỏ: "5 tháng sau khi Nam vào lớp 1, mình được cô giáo gọi điện thông báo: Nam đã qua các vòng tuyển chọn thi viết chữ đẹp và sẽ được chọn đi thi ở cấp cao hơn. Sau khi thảo luận với Nam mình đã từ chối. Bởi quan điểm của mình là không tạo cho con áp lực bởi thành tích. Điều quan trọng hãy tạo cho con sự tự tin và thoải mái trước mỗi quyết định của mình".
Vì thế chị Điệp đã áp dụng Giáo dục sớm đối với Nam nhưng không ủng hộ việc “tiểu học hóa” cho con. Tức là, không mong muốn dạy con sớm biết đọc, biết viết. Khoảng thời gian Nam 5 tuổi, chị tập trung dạy con những kĩ năng tiền học đường như: kỹ năng quan sát, dạy con khả năng tập trung; kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, chơi với các con chữ, ngồi đúng tư thế, cách cảm nhận… thông qua các trò chơi. Trong đó chị Điệp khá chú trọng vào kỹ năng tập trung.
“Chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập nên để có thể ngồi tập trung trong suốt cả thời gian một tiết học thật khó khăn đối với các bé. Mình giúp Nam luyện tập sự tập trung, ban đầu là dưới dạng trò chơi. Trong đó có trò cho sóc vào trong hang. Hai chân Nam được bố lồng trong cái bao tải, gọi là “nhốt sóc”, sau đó sẽ giao một nhiệm vụ gì đó cho Nam thực hiện. Nam sẽ làm theo đúng thời gian quy định.
Nếu trong khoảng thời gian đó, Nam không ngọ nguậy, không xin đi lại, và làm đúng nhiệm vụ được giao, thì Nam sẽ thắng. Cứ thế, dần dần tăng thời gian “nhốt sóc”. Ngay cả quá trình chơi, mình cũng hướng Nam đến việc tập trung chơi một thứ đồ chơi trong một khoảng thời gian nhất định. Tất nhiên là chơi bao giờ cũng dễ hơn học” – chị Điệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, chị Điệp cũng cho Nam làm quen với các con chữ. Chị Điệp nhấn mạnh, chỉ là “chơi” với các con chữ chứ không phải dạy đọc. Theo đó, chị cho Nam nhận biết các chữ cái ở ba kiểu viết thường, viết in hoa, viết nghiêng rồi cho con chơi nặn các chữ cái, đặc biệt là nặn để ghép tên của mình (nhận biết và thể hiện được tên mình giống như cho con hình thành “cái tôi” của mình vậy).
Đồng thời chị cũng dạy con biết cách cầm sách, dạy con học thuộc lòng những đoạn thơ, đoạn văn ngắn. Dạy con phân biệt hướng của các con chữ (phải, trái, trên, dưới), dạy một số nét cơ bản (nét khuyết, nét móc, nét thẳng, nét cong, nét móc hai đầu), chơi trò chơi đánh vần…
Chuẩn bị tâm lý thoải mái cho con
Việc chuẩn bị một tâm lý thoải mái để trẻ đến trường sẽ giúp trẻ xóa tan những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu. Vì thế, chị Điệp đã nói chuyện với Nam vào buổi tối, khi hai mẹ con đi dạo hoặc trước khi lên giường đi ngủ.
“Mình nói về những quy định, những điều khác biệt ở trường tiểu học, những quy tắc mà mỗi học sinh phải thực hiện, những niềm vui có được khi đến trường. Trong đó nhấn mạnh đến việc “khám phá”. Con sẽ khám phá ra nhiều điều mới lạ, biết đọc, biết viết. Con có thể đọc cho mẹ nghe truyện, không cần nhờ ai đọc nữa. Con có thể viết thư cho mẹ mỗi khi mẹ đi xa…
Nói chung mình không “tô hồng” là trường học tuyệt vời, trường học đẹp, trường học hấp dẫn mà mình chỉ nói những điều liên quan đến bản thân Nam. Nam sẽ có được những thú vị gì khi đi học, về niềm vui của Nam khi khôn lớn, về niềm vui của bố mẹ khi chứng kiến sự trưởng thành của Nam” – chị Điệp chia sẻ.
Sau đó chị cùng với cậu con trai làm thời khóa biểu, trang trí bàn học, chuẩn bị sách vở… Những việc này giúp Nam có tâm lý phấn khởi, cảm thấy việc đi học là một sự kiện “trọng đại”. Song song với đó, chị cùng với con chơi trò chơi. Ở đó, Nam đóng vai là học sinh, mẹ là cô giáo và Nam được quyền hỏi tất cả những gì cậu bé thắc mắc.
Chị Điệp kể lại: "Nam đặt ra một loạt câu hỏi: Cơ mà ( Nam hay dùng từ này- PV) em muốn đi vệ sinh thì em làm thế nào? Cơ mà có bạn không thích chơi với em thì sao? Cơ mà cô phạt thì sao? Cơ mà khi cô gọi mà em không đọc được? Cơ mà em viết xấu... Nói chung là hàng trăm cái “cơ mà” nhiều khi rất buồn cười. Trước mỗi cái “cơ mà”, mình đều nghĩ cách giải thích cặn kẽ bởi thực ra đó là hình thức giúp Nam giải quyết các tình huống học đường có thể gặp phải.
Mình thường đóng vai cô giáo còn Nam làm học sinh. Mình sẽ dạy Nam một điều gì đó, Nam sẽ học cách giơ tay phát biểu, cách trình bày vấn đề… Cũng có khi Nam là giáo viên còn mình là học trò. Mình làm tất cả những điều này giúp Nam tự tin bước vào năm học đầu tiên của cuộc đời”.
Con cái chính là sự phóng chiếu của cha mẹ. Vì thế theo chị Điệp, nếu trước khi con đi học mà bạn cứ nói rằng cô giáo này tốt hơn cô giáo kia, trường này tốt hơn trường kia, rồi chuyện đi học thêm, chuyện con bạn A, bạn B đã đọc và làm toán vèo vèo… thì sẽ tạo một tâm lý không tốt cho con của mình. Hãy đón nhận mọi điều bằng sự bình tâm, thoải mái, và con bạn sẽ cảm nhận được điều đó.