Tham vọng bá chủ và thực lực của hải quân Trung Quốc (kỳ cuối)
Tham vọng bá chủ và thực lực của hải quân Trung Quốc (kỳ cuối)
Dù vậy, theo phân tích của các cường quốc quân sự trên thế giới, lực lượng hải quân của Trung Quốc mới chỉ đứng ở mức có thể 'dọa nạt' chứ chưa thực sự đạt tới mức được 'kính nể' thực sự.
> Tham vọng bá chủ và thực lực của hải quân Trung Quốc (kỳ 1)
> Hải quân Nga khôi phục vị thế cường quốc hàng đầu
> Máy bay Mỹ 'giám sát' lãnh thổ Nga
Giấc mộng tàu sân bay
Ước vọng có tàu sân bay của Trung Quốc đã trở nên mãnh liệt khi các lãnh đạo của 'anh nhà giàu mới nổi' tuyên bố bất cứ cường quốc nào cũng phải có tàu sân bay.
Thực tế, Trung Quốc từ lâu đã nghiên cứu công nghệ tàu sân bay thông qua việc mua lại các tàu sân bay bị loại bỏ làm sắt vụn của nước ngoài. Thương vụ thành công đầu tiên là mua tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Minsk Projekt 1143 của Hải quân Liên Xô. Bị loại khỏi biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và bán làm sắt vụn cho một công ty Hàn Quốc, tàu sân bay này được đưa đến một cảng của Hàn Quốc và năm 1997 được bán lại cho Trung Quốc với giá 5 triệu USD nói là để làm trung tâm giải trí nổi. Sau 18 tháng tân trang và bí mật 'nghiên cứu' tốn kém, tàu sân bay này đã biến thành trung tâm giải trí, bỏ neo trong một vịnh nhỏ của đặc khu kinh tế Thâm Quyến, cách không xa Hong Kong. Năm 2000, thông qua các 'đại gia' Trung Quốc mua tiếp tàu sân bay Kiev, tàu đầu tiên của lớp Projekt 1143, bị loại bỏ với giá 8,5 triệu USD. Tàu này cũng được hoán cải trở thành khách sạn trong công viên quân sự ở Thiên Tân.
Năm 1998, Trung Quốc đã trả 20 triệu USD để mua lại tàu sân bay Varyag từ Ukraina, ban đầu cũng nói là để làm khách sạn nổi 5 sao. Dưới áp lực của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho tàu sân bay Varyag đi qua các eo biển của Biển Đen mà Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát việc qua lại của tàu thuyền theo Công ước Montreux. Vấn đề chỉ được giải quyết trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền và tàu Varyag đã được kéo về nhà máy đóng tàu Đại Liên ở thành phố Đại Liên. Mỹ nghi ngờ, Trung Quốc đang muốn đóng hoàn thiện Varyag thành một tàu sân bay thực sự và qua đó nghiên cứu làm chủ công nghệ tàu sân bay vốn có tầm quan trọng thứ hai trong ngành đóng tàu quân sự sau tàu ngầm hạt nhân. Và thực tế sau này cho thấy người Mỹ đã phân tích đúng khi vào tháng 3/2002 tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên, tàu sân bay Varyag bắt đầu được Trung Quốc tiến hành tân trang đóng hoàn thiện.
Tại thời điểm ngừng đóng tàu Varyag khi chưa về với Trung Quốc, tàu này đã hoàn thành ở mức 68 - 70% với tất cả các hệ thống bố trí cho phương tiện chiến đấu và kỹ thuật trong thân tàu đã được lắp đặt, hầu như tất cả các đường ống dẫn và hệ thống điện đã được chạy và đấu nối với các cơ cấu vận hành để chạy thử. Như vậy, Trung Quốc đã nhận được một con tàu gần như hoàn chỉnh, nhưng thiếu các thành phần vũ khí khí tài lắp đặt bên trên.
Có được cơ sở của ước vọng tàu sân bay, từ cuối năm 2005, Trung Quốc đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện động cơ và các trang thiết bị trên tàu. Trung Quốc tự sản xuất được hầu như tất cả các loại vũ khí trang bị, ngoại trừ radar tiếp cận và hạ cánh máy bay, cũng như thiết bị hàng không như cáp hãm đà, các máy phóng máy bay bằng hơi nước và một số loại khí tài thông tin liên lạc. Điểm khó khăn là Trung Quốc chưa sản xuất được thiết bị cáp hãm đà cho máy bay chiến đấu hạ cánh trên boong tàu sân bay. Cho tới cuối năm 2011, Nga do lo ngại biệt tài sao chép của Trung Quốc đã quyết định từ chối bán cáp hãm đà và tài liệu về máy phóng máy bay bằng hơi nước cho Trung Quốc. Để khắc phục nhược điểm này, Trung Quốc đã kiên trì đàm phán và theo tin không chính thức, đến nay cuối cùng người Trung Quốc đã mua được các thiết bị cáp thay thế của Thụy Điển.
Giấc mơ của người Trung Quốc được đặt tên là Thi Lang, tên vị thủy sư đô đốc đã chỉ huy hạm đội Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan vào năm 1681
Tàu sân bay Thi Lang đang trong giai đoạn thử nghiệm. |
Tháng 8/2011, tàu Thi Lang đã tự chạy ra biển để thử nghiệm, song vẫn chưa thấy có các máy bay trên hạm mà Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi chế tạo và triển khai hoạt động. Theo dự kiến, dù chưa có máy bay trên hạm, tàu Thi Lang vẫn được đưa vào biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc trong năm nay (2012).
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc bị báo chí, chuyên gia nước ngoài liên tục phân tích chỉ rõ về sự yếu kém của hệ thống động lực chính, hệ thống phòng không cùng các máy bay 'hàng nhái' đi theo với chức năng triển khai nhiều điểm yếu. Nhưng bỏ qua mọi chỉ trích, Trung Quốc vẫn cố gắng phát triển các loại máy bay chiến đấu trên hạm, máy bay cảnh báo, vận tải với tất cả các chức năng phục vụ tàu sân bay.
Đồng thời với Thi Lang, kế hoạch đóng tàu sân bay nội địa đã được Trung Quốc khởi động trong một vài năm gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc không thể hoàn thành đóng tàu sân bay hạng trung sẽ trước năm 2017-2020. Tàu sẽ có lượng giãn nước 45.000-50.000 tấn và các máy phóng máy bay. Chủng loại hệ thống động lực chính hiện chưa được tiết lộ. Rõ ràng là tàu sân bay này sẽ theo phương án tàu sân bay hạng trung với hệ thống động lực hạt nhân và 3 máy phóng máy bay.
Biên chế của không đoàn trên tàu sân bay Thi Lang và tàu sân bay hạng trung lớp mới có lẽ sẽ được chuẩn hóa và bao gồm 24-36 J-15 (sao chép Su-33М), 4 máy bay chỉ huy/báo động sớm (trên cơ sở Y-7 hay Yak-44), 6-18 trực thăng Ка-28PL, 2 trực thăng Ка-28PS và các máy bay khác (tổng cộng đến 50-55 chiếc).
Trung Quốc cũng tỏ ý muốn mua 14 chiếc tiêm kích trên hạm Su-33М. Tuy vậy, năm 2011, Nga đã đình chỉ việc đàm phán ký kết hợp đồng bán Su-33 có thể lại vì lý do lo ngại 'tài năng' làm hàng nhái của Trung Quốc. Nhưng dù có Su - 33 hay không thì các phi công Trung Quốc với các tác phẩm hàng nhái có cải tiến của công nghệ quân sự Trung Quốc cũng sẽ vẫn luyện tập và một lúc nào đó đạt trình độ đủ để lên xuống tàu sân bay.
Lực lượng đổ bộ
Hiện hải quân Trung Quốc có gần 100 tàu đổ bộ, trong đó có 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp 071. Các chuyên gia đánh giá lớp tàu này được đóng sao chép tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp San Antonio (LPD-17) của Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, việc lực lượng đổ bộ được mở rộng nhanh chóng trong 4 năm qua (đóng gần 70 tàu đổ bộ chở tăng) cho thấy, công nghiệp Trung Quốc trong thời bình có khả năng đóng các tàu đơn giản (công nghệ của những năm 1950-1960) với nhịp độ cao.
Rõ ràng, Trung Quốc xây dựng hạm đội tàu đổ bộ chở tăng hùng mạnh này trước hết là để gây áp lực đối với các nước nằm trong phạm vi của “chuỗi đảo thứ nhất” (Ryukyu và Philippines) bao gồm cả biển Đông.
Tầu đổ bộ 071 tên hiệu “Côn Lôn Sơn 998” (Kunlunshan) được hạ thủy ngày 20 tháng 12 năm 2006, tải trọng 18000 tấn.
Sơ đồ và mặt cắt tầu "Côn Lôn Sơn 998" |
Tầu này có thể chở 800 lính đổ bộ, boong tầu có thể tiếp nhận 24~32 chiếc xe đổ bộ tấn công ZBD-05. Phần boong phía sau của tầu có thể tiếp nhận 2 trực thăng ZH-8 lên xuống đồng thời, khoang chứa có thể tiếp nhận 3~4 chiếc trực thăng ZH-8.
Tầu "Tỉnh Cương Sơn 999" |
Tầu đổ bộ tên hiệu “Tỉnh Cương Sơn 999” (Jinggangshan) có tải trọng 20000 tấn, hạ thủy ngày 18 tháng 11 năm 2010. Đây là tầu đổ bộ có thể thực hiện hiệm vụ ngoài khơi xa. Tầu này có một đội 4 chiếc tầu đổ bộ đi cùng, có thể đồng thời tiếp nhận 2 chiếc trực thăng loại vừa.
Trong biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc còn có hơn 150 xuồng đổ bộ, trong đó có 10 xuồng đổ bộ đệm khí trọng tải đến 15 tấn. Trung Quốc hiện đang nghiên cứu chế tạo xuồng đổ bộ đệm khí trọng tải 50-60 tấn để sử dụng trong tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp 071 làm phương tiện đổ bộ. Trung Quốc thực tế có thể có tới 500 xuồng đổ bộ, nhưng chúng được phân bổ giữa các bộ ngành nên khó có thống kê chính xác.
Hải quân Trung Quốc cũng tỏ ra quan tâm tới tàu đổ bộ đệm khí đa năng lớp Projekt 1232.2 của Nga.
Lực lượng tàu chiến đa năng
Biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc có 27 tàu khu trục thuộc các lớp khác nhau. Nét nổi bật của chương trình đóng tàu khu trục Trung Quốc là việc đóng 2 tàu thuộc cùng một serie nhưng với các hệ thống vũ khí và sơ đồ hệ thống động lực chính khác nhau. Hiện đại nhất trong đó là 2 tàu khu trục lớp 052C Lan Châu đóng tại các xưởng đóng tàu Trung Quốc, nhưng có sử dụng các công nghệ và linh kiện nước ngoài (radar, trạm thủy âm, ụ pháo 100 mm của Pháp, hệ thống tên lửa phòng không Rif của Nga, các động cơ turbine khí của Ukraine…).
Các tàu khu trục lớp 956E và 956EМ mua của Nga thua kém các tàu 052C về vũ khí phòng không, nhưng vượt trội về khả năng tấn công. Tàu khu trục lớp 052С được trang bị radar đa năng với 4 anten mạng pha cố định Type 382 được chế tạo bằng công nghệ Nga.
Khi xây dựng hạm đội tàu khu trục khá đa dạng về chủng loại, Hải quân Trung Quốc rõ ràng đang cố tìm ra loại tàu khu trục tối ưu và có được tối đa các công nghệ tối tân.
Các chuyên gia châu Âu có mặt trên tàu khu trục Quảng Châu (lớp 052B) vào năm 2007 đã đưa ra các kết luận sau đây. Thoạt nhìn, tàu này tương ứng với trình độ của thế kỷ XXI. Tàu cũng có phần thượng tầng đơn khối, bề ngoài cũng sử dụng nhiều công nghệ giảm độ bộc lộ (tàng hình). Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ hơn thì thấy, tàu này sử dụng một số lượng lớn công nghệ của những năm 1950-1960 đến mức đáng ngạc nhiên. Nhiều hệ thống vũ khí (ống phóng lôi 324 mm, bệ phóng bom phản lực và nhiều hệ thống khác) chỉ có cơ cấu dẫn động bằng tay, đây là điều đặc biệt đáng ngạc nhiên đối với một con tàu được trang bị khá nhiều thiết bị vô tuyến điện tử rất hiện đại. Khi xem xét kỹ hơn trang bị radar, thấy rằng các đường cáp của đa số các hệ thống không hề được bảo vệ trước khả năng bị tác động điện tử vì thế chúng rất nhỏ gọn và đơn giản.
Thậm chí, có chuyên gia cho rằng, hiện thời, Trung Quốc vẫn chưa thể đóng được một chiến hạm thực sự hiện đại và cân đối về các hệ thống chiến đấu và kỹ thuật.
Trong biên chế chiến đấu hải quân Trung Quốc hiện có 51 tàu chiến hộ tống frigate. Ngoài 6 frigate (lớp 054А), tất cả số còn lại có vũ khí phòng không yếu, may lắm là chỉ có hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn (Crotale). Một số lượng đáng kể các frigate lạc hậu thuộc các lớp 053 và 053Н đã được bán sang nhiều nước thế giới thứ ba.
Để bổ sung cho các tàu khu trục mới tương đối đắt tiền, Trung Quốc đang đóng các frigate rẻ tiền hơn. Đến cuối năm 2011, họ đã đóng xong 2 frigate lớp 054 với hệ thống phòng không đơn giản hóa, có các tính năng và thành phần trang bị kỹ thuật giống với frigate La Fayette của Pháp.
Sau đó, các frigate bắt đầu được đóng (đã đóng được 6 tàu) theo thiết kế được sửa đổi 054А, theo đó, hệ thống tên lửa phòng không HQ-7 (Crotale) được thay bằng hệ thống tên lửa phòng không HQ-16 (Shtil) với 1 bệ phóng thẳng đứng х 32 ngăn phóng. Ngoài ra, 4 hệ thống pháo phòng không АK-630 được thay bằng 2 hệ thống pháo phòng không 7 nòng 30 mm Type 730 (Goalkeeper). Trung Quốc đang tiếp tục đóng 2 frigate loại này.
Do thành phần vũ khí thay đổi mà toàn bộ khái niệm đóng frigate của Trung Quốc cũng thay đổi theo, tàu frigate hiện được hải quân Trung Quốc bắt đầu xem như một chiến hạm đa năng khá mạnh với lượng giãn nước hạn chế, còn các tàu khu trục mới có thể được xem như các tàu bảo vệ cho các tàu sân bay tương lai.
Năm 2004, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đối với tàu tên lửa (tốc hạm tên lửa). Chẳng hạn, những chiếc tốt nhất trong các xuồng tuần tra lớp 037/1 (25 chiếc) đã được trang bị thêm tên lửa chống hạm С-802 và trở thành tàu tên lửa. Đồng thời, Trung Quốc cũng bắt đầu đóng quy mô lớn theo công nghệ Australia các tốc hạm tên lửa lớp Houbei trang bị tên lửa chống hạm mới С-802. Đến cuối năm 2011, họ đã đóng được tổng cộng hơn 60 tàu tên lửa này. Chúng có tốc độ toàn phần vừa phải (36 hải lý/h), nhưng nhờ có kết cấu dạng hai thân và hình dáng thân thiết kế theo công nghệ tàng hình nên có khả năng đi biển cao và độ bộc lộ thấp.
Lực lượng tàu quét lôi của hải quân Trung Quốc hiện chỉ có vài tàu quét lôi, còn hơn 100 tàu xuồng loại này được đưa vào lực lượng dự bị. Chẳng hạn, trong lực lượng dự bị của hải quân Trung Quốc đã có hơn 50 tàu quét lôi nhỏ Type 312. Theo đa số các chuyên gia, lực lượng tàu chống thủy lôi là thành phần yếu nhất của hải quân Trung Quốc và không hiểu vì lý do gì lực lượng này không được phát triển đủ mạnh.
Theo kết luận của nhiều chuyên gia công nghệ quân sự, công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã làm chủ được nhiều công nghệ, nhưng đa số những công nghệ đó đều là thành tựu của quá khứ. Các chuyên gia đóng tàu Trung Quốc hiện hoàn toàn chưa thể sản xuất, kể cả theo giấy phép, các turbine khí tàu thủy, các turbine hơi nước cỡ lớn và các nồi hơi áp suất cao cho các tàu sân bay.
Nhưng điều khó chịu nhất đối với Trung Quốc là ngoài các tên lửa đường đạn, họ không có các loại vũ khí trang bị hải quân nội địa có chất lượng. Những gì họ đang có đều là hàng sao chép, được chế tạo lạc hậu 10-15 năm, có tính năng kém so với các mẫu nguyên bản. Có lẽ chính vì hiểu được điểm yếu của mình nên hải quân Trung Quốc hiện nay chọn cách tạo dựng hình ảnh vươn lên 'bá chủ thiên hạ biển xa' bằng những hình dáng tàu chiến bóng bẩy và số lượng tăng dần lên mức áp đảo đối phương. Vì vậy, theo phân tích của các cường quốc trên thế giới, lực lượng hải quân Trung Quốc mới chỉ đứng ở mức có thể 'dọa nạt' chứ chưa thực sự đạt tới mức được 'kính nể' thực sự.
BTV (Tổng hợp)