Thẩm phán TAND TP Hà Nội đang “bội thực” nhiệm vụ
TAND TP Hà Nội đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm. |
Xét xử nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm
Báo cáo trước HĐND TP Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố (TAND TP) Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 18.010 vụ án; giải quyết 11.947 vụ.
Ông Chính cũng nhấn mạnh, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.
“Điển hình như vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin- Tòa án đã xử phạt tử hình đối với 2 bị cáo; vụ án Phạm Đình Hòa và đồng phạm, phạm tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco, Bộ GTVT); vụ Đặng Minh Châu và đồng phạm phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy (gần 1.200 bánh hêrroin), Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và tội Không tố giác tội phạm, Tòa án xử phạt tử hình 8 bị cáo, xử phạt tù chung thân 3 bị cáo trong tổng số 13 bị cáo;
Hay như vụ Nguyễn Tiến Dũng và đồng phạm phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy (đường dây mua bán ma túy tổng hợp xuyên quốc gia), đã xử phạt tử hình 7 bị cáo, tù chung thân 2 bị cáo trong tổng số 18 bị cáo...".
Đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi như vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng Đại Dương và vụ Châu Thị Thu Nga- nguyên Đại biểu Quốc Hội bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đây là những vụ án đặc biệt lớn, trong thời gian ngắn từ khi thụ lý Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung theo đúng quy định của pháp luật.
Thẩm phán đang làm việc quá tải!
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chánh án TAND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh trong 6 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số vụ án bị hủy, cải sửa để quá thời hạn xét xử.
Nguyên nhân của những tồn tại trên có nhiều, trong đó có một số nguyên nhân chính như: Một số quy định của pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể như vấn đề thuốc lá ngoại nhập lậu trong xét xử hình sự; vấn đề xác định chi phí phá sản, việc lập tài khoản liên quan đến chi phí phá sản trong việc giải quyết các vụ án kinh tế... Một số cơ quan, tổ chức, đương sự chưa tích cực phối hợp với Tòa án trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.
Số lượng các loại vụ việc Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết tăng qua các năm nhưng số lượng biên chế không được tăng, đặc biệt là Thẩm phán (theo số liệu thống kê trung bình mỗi thẩm phán xét xử 8 vụ/tháng, cao hơn nhiều định mức Tòa án nhân dân tối cao quy định là 5 vụ). Biên chế được Tòa án nhân dân tối cao phân bổ chưa xem xét đến tính đặc thù là cơ quan xét xử trên địa bàn thủ đô, có nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm, được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.
“Về chủ quan, trình độ Thẩm phán còn chưa đồng đều, chưa tích cực nghiên cứu tác động đến hồ sơ để sớm đưa vụ án ra giải quyết”- Chánh án Nguyễn Hữu Chính nói.
Trước những bất cập trên, ông Chính kiến nghị UBND TP: tiếp tục hỗ trợ đầu tư trang thiết bị làm việc và kinh phí để thực hiện công tác xét xử các vụ án nói chung, những vụ án lớn, phức tạp nói riêng; hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, cập nhật thông tin đối với cán bộ công chức và đội ngũ Hội thẩm nhân dân; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án khi có yêu cầu; chỉ đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc tổ chức xét xử lưu động các loại vụ án và công tác điều tra, xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản trong quá trình giải quyết các loại vụ án.
“Đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao tăng biên chế đặc biệt là số lượng Thẩm phán để hai cấp Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các năm tiếp theo”- ông Chính nhấn mạnh.