'Thảm họa thứ hai’ đe dọa người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau động đất
Cảnh báo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 9/2 nhấn mạnh thời tiết lạnh giá và tuyết rơi càng khiến “tình hình càng trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn”.
"Nhiều người sống sót đang phải sống ngoài trời trong những điều kiện ngày càng khủng khiếp và tồi tệ", CNN dẫn lời ông Robert Holden, Giám đốc ứng phó động đất của WHO phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva.
“Hoạt động cung cấp nước, nhiên liệu, điện, thông tin liên lạc, những thứ thiết yếu cho cuộc sống đã bị gián đoạn. Chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với thảm họa thứ hai, có thể ảnh hưởng tới nhiều người hơn cả thảm họa ban đầu", ông Holden nói.
Thách thức đối với những người sống sót ở các khu vực chịu tác động của trận động đất mạnh 7,8 độ richter vào đầu tuần này xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria càng gia tăng, khi mà nhiệt độ trong vùng đang lạnh hơn so với bình thường mọi năm. Như ở thành phố Aleppo của Syria, nhiệt độ được dự báo giảm dưới -3 độ C vào cuối tuần này, trong khi thời tiết lạnh nhất vào tháng Hai ở khu vực thường là 2,5 độ C.
Xung đột kéo dài suốt nhiều năm và cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Syria khiến nỗ lực cứu hộ sau động đất càng khó khăn hơn. Tới ngày 9/2, phái đoàn cứu trợ đầu tiên của Liên Hợp Quốc di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ mới sang được phía tây bắc Syria để tiếp tế lương thực và lều tạm trú.
Một quan chức cứu trợ cấp cao cho biết nỗ lực giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng do động đất ở Syria đang "cực kỳ khó khăn", do các tuyến đường dọc biên giới đã bị phá hủy, và còn nằm trong vùng xung đột giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm đối lập.
Trên thực tế, cuộc sống của hàng triệu người sống ở các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập ở phía bắc Syria vốn đã rất khó khăn do tác động của nghèo đói và dịch tả trước khi động đất xuất hiện. Giờ đây, họ không còn cách nào khác là phải nghĩ cách tự cứu mình và những người xung quanh.
Anh Abu Muhammad Sakhour từng làm nghề kinh doanh đã tình nguyện tham gia lực lượng y tá ở thành phố Idlib để cứu chữa cho các nạn nhân bị thương sau động đất.
“Tình hình hiện tại là vô cùng thảm khốc theo đúng nghĩa đen của nó. Chúng tôi đang tự chữa lành vết thương cho chính mình”, anh Sakhour nói.
Tình hình ở Syria hoàn toàn đối lập với những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đã nhanh chóng điều động các nhóm cứu hộ tới tiếp cận hiện trường, và thực hiện phân phát hàng cứu trợ sau thảm kịch động đất.
Theo CNN, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 21.000 người, và khiến hàng chục nghìn người khác bị thương. Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót còn đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát từ các tòa nhà bị sập. Tuy nhiên, hy vọng tìm thấy người còn sống hiện rất mong manh sau 4 ngày xảy ra động đất kinh hoàng.
Một số hình ảnh về cuộc sống khó khăn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sau động đất:
Minh Thu