Thái Nguyên: 25 sản phẩm được xếp hạng 3-4 sao trong đề án OCOP
Thái Nguyên xác định sản phẩm OCOP gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn
Theo đó, trong 162 sản phẩm đã đăng ký thì có 25 sản phẩm được xếp hạng 3 – 4 sao sau khi được Hội đồng và tổ chức đánh giá xếp hạng. Đại đa số các sản phẩm OCOP tham gia có sự đầu tư bài bản về nhãn mác, bao bì, các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm, một số đơn vị chủ động thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn phục vụ xuất khẩu như ISO, HACCP,…Nhiều đơn vị còn đăng kí tham gia nhiều sản phẩm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự hoàn thiện sản phẩm.
HTX chè La Bằng - Đơn vị có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP |
Sản phẩm OCOP đạt 3 sao sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm, sản phẩm OCOP đạt 4 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm và sản phẩm OCOP đạt 5 sao sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng/sản phẩm
Năm 2020 là năm thứ hai tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” giai đoạn 2019 – 2025. Dự kiến kinh phí thực hiện đề án OCOP của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025 là hơn 700 tỷ đồng.
Mục tiêu OCOP Thái Nguyên là phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong tổ chức sản xuất, giúp tăng cường các hoạt động liên kết sản xuất - tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản cũng như các sản phẩm từ vùng nông thôn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới, CNH-HĐH Nông nghiệp - Nông thôn.
Diệu Thu